Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, 8.4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan, tại Thủ đô Tashkent, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Uzbekistan. Tọa đàm do Bộ Tài chính Việt Nam, Bộ Đầu tư, Công nghiệp và Thương mại Uzbekistan phối hợp tổ chức.

Tọa đàm có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hai nước, đặc biệt là sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Uzbekistan trong các lĩnh vực: than, khoáng sản, dầu khí, dệt may, hàng không, du lịch, công nghiệp thực phẩm, viễn thông…
Cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Uzbekistan

Trong phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tối qua Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa có cuộc hội kiến rất hiệu quả kéo dài hơn một giờ đồng hồ với Tổng thống Cộng hòa Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, trao đổi về các định hướng, biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục…

Chủ tịch Quốc hội vui mừng nêu rõ, Việt Nam và Uzbekistan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, được vun đắp qua nhiều thập kỷ trên nền tảng tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và mong muốn cùng phát triển. “Chuyến thăm lần này không chỉ là dịp để chúng ta củng cố mối quan hệ chính trị mà còn là cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm với doanh nghiệp hai nước dự tọa đàm. Ảnh: Lam Giang
Bày tỏ nhất trí với phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Uzbekistan tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với tiềm năng to lớn và tinh thần hợp tác chân thành, doanh nghiệp hai nước sẽ là cầu nối quan trọng đưa quan hệ Việt Nam - Uzbekistan lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn. Bởi thực tiễn cho thấy, dư địa hợp tác để cùng phát triển giữa hai nước còn rất lớn, trong đó các tiềm năng về đầu tư, kinh tế, thương mại, du lịch… cần được khai phá mạnh mẽ hơn nữa.

Thông tin về tình hình Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia; trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD.

Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.700 USD thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.
Môi trường đầu tư, Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn. Hội nhập quốc tế và hợp tác đầu tư được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước tiếp tục được nâng cao.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng “vươn mình trong kỷ nguyên mới”, Việt Nam đặt các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của thế giới.
Để đạt được các mục tiêu nêu này, trên nguyên tắc cốt lõi “lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tập trung phát huy tốt nội lực để thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài; Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế với với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, quan hệ hai nước đã đạt được những thành tựu to lớn, không ngừng phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương. Việt Nam đã có 5 dự án đầu tư sang Uzbekistan với tổng vốn đầu tư hơn 4,4 triệu USD, trong khi Uzbekistan chưa có dự án đầu tư tại Việt Nam. Về kinh tế, thương mại, hai nước đang phát triển tích cực, từ năm 2021 đến nay, tăng trưởng khoảng 25%/năm.
Riêng trong năm 2024, trao đổi thương mại đạt hơn 200 triệu USD. Kể từ khi có đường bay thẳng giữa hai nước, đã có hơn 20.000 du khách Uzbekistan đến Việt Nam trong năm 2024.
Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ xanh
Những kết quả hợp tác nêu trên là đáng khích lệ song vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, dư địa và mối quan hệ, tình cảm hữu nghị đặc biệt của hai nước. Chỉ rõ điều này, để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Uzbekistan, Chủ tịch Quốc hội đề xuất một số định hướng cụ thể mà doanh nghiệp hai bên có thể cùng nhau triển khai.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản. Uzbekistan có thế mạnh về bông, trái cây và nông sản chất lượng cao, trong khi Việt Nam nổi bật với công nghệ chế biến, nuôi trồng thủy sản và xuất khẩu nông sản. Doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu để đưa sản phẩm chất lượng cao ra thị trường quốc tế.
Hai bên cần mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ xanh. Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Uzbekistan, với nguồn tài nguyên khí tự nhiên và tiềm năng về năng lượng tái tạo, có thể trở thành đối tác chiến lược trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày. Uzbekistan là một trong những quốc gia xuất khẩu bông hàng đầu thế giới, trong khi Việt Nam có ngành dệt may phát triển mạnh. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất và phân phối sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Thứ ba, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ xanh. Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo. Uzbekistan, với nguồn tài nguyên khí tự nhiên và tiềm năng về năng lượng tái tạo, có thể trở thành đối tác chiến lược trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đầu tư vào các dự án năng lượng bền vững.
Thứ tư, đẩy mạnh kết nối giao thông và du lịch. Hoan nghênh kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Uzbekistan trong năm 2025, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây sẽ là bước đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách hai nước tăng cường giao lưu… Doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch liên kết, khai thác thế mạnh văn hóa, lịch sử và thiên nhiên phong phú của cả hai quốc gia.
Bên cạnh đó, hai nước còn rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác, từ đó không chỉ góp phần tăng kim ngạch thương mại hai nước mà còn có thể đóng góp cho cả khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để thúc đẩy, làm sâu sắc, toàn diện và hiệu quả hơn hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước với trọng tâm là đầu tư và thương mại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai bên cần tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Uzbekistan thường xuyên có các cơ hội trao đổi, tìm kiếm và khai thác các cơ hội hợp tác, đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực nhiều tiềm năng và nhu cầu như dầu khí, khai khoáng, nông nghiệp, du lịch…
Về phía Quốc hội Việt Nam, chúng tôi cam kết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tôi đề nghị, Quốc hội và các cơ quan chức năng của Uzbekistan sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Uzbekistan một cách dễ dàng hơn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Hai nước cần tăng cường trao đổi các đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao nhằm củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Uzbekistan tăng cường quan hệ với ASEAN và mong muốn Uzbekistan là cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Trung Á. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các bộ, ngành, Hiệp hội phát huy vai trò cầu nối để thúc đẩy trao đổi, hợp tác theo nguyên tắc “cùng có lợi, cùng thành công”, bổ trợ cho nhau, hợp tác sâu và toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác và triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh thành công, phù hợp quy định pháp luật của mỗi nước.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước chủ động kết nối, tìm hiểu, chia sẻ thông tin để có kế hoạch, dự án hợp tác đầu tư hiệu quả, đồng thời hỗ trợ cùng khai thác thị trường của nhau cũng như mở rộng khai thác thị trường khu vực ASEAN và khu vực Trung Á với rất nhiều tiềm năng, dư địa.
Để hiện thực hóa những định hướng nêu trên, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi doanh nghiệp hai nước hãy mạnh dạn đầu tư, tìm hiểu thị trường và xây dựng các liên kết chiến lược.
“Về phía Quốc hội Việt Nam, chúng tôi cam kết tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”. Nhấn mạnh quan điểm nhất quán này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Quốc hội và các cơ quan chức năng của Uzbekistan sẽ đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Uzbekistan một cách dễ dàng hơn.
Chủ tịch Quốc hội chúc Tọa đàm thành công tốt đẹp; chúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Uzbekistan ngày càng phát triển, gặt hái nhiều thành tựu và cùng nhau viết nên những trang mới trong lịch sử hợp tác giữa hai quốc gia.
Tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước.