Theo báo cáo của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Tổng cục đã quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tình trạng khẩn cấp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch của Đảng ủy, Chỉ huy Tổng cục liên quan đến tình trạng khẩn cấp.

Chỉ đạo đổi mới công tác huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của cán bộ hậu cần - kỹ thuật các cấp; tăng cường diễn tập, nâng cao khả năng cơ động, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của cơ quan, đơn vị hậu cần - kỹ thuật. Thường xuyên chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức lực lượng ngành hậu cần - kỹ thuật theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ từ cơ quan chiến lược đến cơ sở; chỉ đạo, bảo đảm, nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, nhân viên hậu cần - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với mong muốn chính sách, pháp luật về tình trạng khẩn cấp sớm được kiện toàn, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đề nghị, với dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, tại Khoản 2, Điều 2 giải thích từ ngữ cần viết lại thành: Tình trạng khẩn cấp là trạng thái đặc biệt của xã hội được thiết lập tại một hay nhiều địa phương hoặc trên phạm vi cả nước khi có thảm họa dịch bệnh, tình hình quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng sức khỏe... để phù hợp với nội hàm các điều, khoản được quy định trong dự thảo luật, như Khoản 1, Điều 9.

Tại Khoản 4, Điều 37 dự thảo Luật về trách nhiệm của chính quyền địa phương, đề nghị nghiên cứu bỏ từ "cấp huyện" để phù hợp với chủ trương định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Đơn vị cũng đề nghị, trong trường hợp xảy ra thiên tai dịch bệnh, thảm họa mà chính quyền bị vô hiệu hóa, tê liệt không còn kiểm soát được tình hình thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật. Vì pháp luật hiện hành mới quy định khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ (Khoản 2, Điều 21 Luật Quốc phòng năm 2018)…

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật trong lĩnh vực liên quan đến tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, đề nghị đơn vị làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, việc huy động lực lượng, cứu trợ, tổ chức phương tiện, thiết bị, vận chuyển trong tình trạng khẩn cấp; chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế trong thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau tình trạng khẩn cấp…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Hải Hưng cho rằng, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật đã thường xuyên quán triệt sâu sắc, triển khai, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự quốc phòng, trong đó có quy định liên quan đến tình trạng khẩn cấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại nêu rõ, Đoàn khảo sát tiếp thu tối đa những ý kiến và kiến nghị của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp. Qua đó, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, cao hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp.