
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, thống kê sơ bộ đến nay, Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra 32 nội dung. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã chủ động làm việc với các cơ quan chủ trì soạn thảo để triển khai các nội dung thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh Hồ Long
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)…; cho ý kiến về việc thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, về việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Các đại biểu cũng cho ý kiến về hướng xử lý khi nhiều luật được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại hai dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đang trong quá trình hoàn thiện, trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua trong Kỳ họp thứ Chín và hiện đang được Thường trực Ủy ban tiến hành thẩm tra.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, khối lượng công việc giao cho Ủy ban Kinh tế và Tài chính thực hiện trong thời gian tới là rất lớn, trong đó có nhiều nội dung phức tạp và khó, đòi hỏi phải linh hoạt trong tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban, Thường trực Ủy ban mở rộng, xin ý kiến bằng văn bản… để có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thường trực Ủy ban cần nêu cao trách nhiệm, tiếp cận sớm các dự án luật, dự thảo nghị quyết được giao chủ trì thẩm tra.
Về việc triển khai quy trình, thủ tục mới được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Ủy ban cần chủ động khảo sát, đánh giá các chính sách được đưa vào các dự án luật, dự thảo nghị quyết; quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập trung xây dựng văn bản thể hiện ý kiến độc lập về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và các nội dung còn ý kiến khác nhau của những dự thảo luật sau khi đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, sau khi sáp nhập, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã đi vào hoạt động ngay và triển khai công việc rất tích cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong hoạt động của Ủy ban, cũng như trong công tác thẩm tra, giám sát phải quán triệt và bám sát diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và các chủ trương đổi mới, đột phá, cách mạng về công tác xây dựng pháp luật, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, phát triển nhanh, hiệu quả khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời chuẩn bị ngay từ bây giờ để phục vụ Đại hội Đảng và nhiệm kỳ 2026-2031.

Cùng với đó, Thường trực Ủy ban và Vụ giúp việc cần tiếp tục quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời báo cáo lãnh đạo Quốc hội những vấn đề nổi lên, những việc phát sinh; phân công rõ người, rõ việc, có tiến độ cụ thể cho từng đồng chí cũng như phân công nhiệm vụ, quản lý Vụ Kinh tế và Tài chính hiệu quả; phối hợp tốt với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, phải theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc tài liệu của phía Chính phủ, các bộ ngành, cử cán bộ trực tiếp dự các cuộc họp cần thiết để nắm bắt thông tin trước, phục vụ các cuộc họp thẩm tra; quan tâm đến hoạt động giám sát thường xuyên của Ủy ban, nhất là những nội dung được Quốc hội thông qua trong các kỳ họp gần đây, chú ý các vấn đề trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù…
Bên cạnh những việc chính do Ủy ban chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cần lưu ý đến các nội dung phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác kể cả trong công tác thẩm tra và công tác giám sát. Việc quản lý tài liệu, sao chụp, gửi thông tin, tài liệu lưu hành nội bộ, tài liệu mật phải được quản lý chặt chẽ theo quy định; thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản; chú ý triển khai công tác chủ trì, phối hợp để tiến hành chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả…