Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, để phục vụ Kỳ họp Mười tới, Ủy ban chịu trách nhiệm thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 dự án Luật, một dự án pháp lệnh; thẩm tra 3 báo cáo của Chính phủ theo quy định của các Luật, Nghị quyết của Quốc hội; tham gia thẩm tra việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước... với các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách và định hướng một số nội dung để chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ. Với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là hoạt động xây dựng pháp luật và giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội yêu cầu các đại biểu tập trung dành thời gian nghiên cứu tài liệu, phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng và trách nhiệm cao.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực được giao phụ trách. Đặc biệt, Thường trực Ủy ban và Ủy ban đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Đảng, thực sự là cơ quan “gác cổng" chính sách, pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Với khối lượng công việc nhiều, gồm gần 20 nội dung, cả về xây dựng pháp luật, giám sát cùng các vấn đề về tổng kết năm, tổng kết nhiệm kỳ và sơ bộ về định hướng xây dựng pháp luật thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung để thảo luận, thống nhất được các nội dung lớn của các dự án luật; đại diện các bộ, ngành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo với Ủy ban các nội dung quan trọng nhất, các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự đồng thuận cao nhất khi trình Quốc hội. Đối với các lĩnh vực lớn thuộc Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện đã có các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư như vấn đề tiền lương và bảo hiểm xã hội, y tế, dân số, người có công, phòng chống ma túy…, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận để có quan điểm rõ ràng, không chỉ đánh giá mà còn phải định hướng để các bộ, ngành thực hiện, hướng tới mục tiêu chung.
Trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS). Dự thảo luật lần này bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV về việc thông báo tình trạng nhiễm HIV với người có quan hệ để phòng ngừa lây nhiễm; giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, miễn phí xét nghiệm HIV đối với phụ nũ mang thai...
Theo một số thành viên Ủy ban, việc huy động nguồn lực trong nước để phòng, chống HIV/AIDS là cần thiết với nguồn lực chính là nguồn quỹ Bảo hiểm y tế. Dự thảo Luật đã thể hiện rõ việc lồng ghép bình đẳng giới, tiếp cận góc độ giới để sửa đổi, bổ sung quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí; bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận bảo hiểm y tế của các phạm nhân… Liên quan đến việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở thuyết phục.
Liên quan đến việc bổ sung đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm thuận tiện trong điều trị cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc vấn đề này. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong, việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt quyền bảo mật thông tin cá nhân và phù hợp với khuyến nghị của quốc tế. Cho rằng không thể lấy lý do bí mật đời tư để giảm nhẹ vai trò quản lý nhà nước, một số đại biểu nêu rõ, quản lý nhà nước là để phòng, chống lây nhiễm, giảm nguy cơ cho xã hội, bởi khi một người nhiễm HIV thì nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu. Đồng tình với quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung này nhằm phục vụ phần đông người dân trong xã hội - những người chịu nguy cơ rủi ro.
Tiếp đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Theo chương trình, Ủy ban về các vấn đề Xã hội sẽ làm việc đến ngày 30.9 tới.