Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành có liên quan.
Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ do đại diện Bộ Công an trình bày cho biết, ngày 16.3.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Kết luận số 35-KL/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã bổ sung một số chức vụ, chức danh cấp cao.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thì một số nội dung cần được cụ thể hóa ngay trong Luật Cảnh vệ.
Ngoài ra, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành là cần thiết.
Dự thảo luật gồm 2 điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ như: bổ sung giải thích một số từ ngữ tại Điều 3; bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người; quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ…; và Điều 2 về hiệu lực thi hành.
Tại phiên họp, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; cho rằng, các quy định trong dự thảo luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng tình với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh của dự thảo luật, song một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung đầy đủ, tránh việc sửa nhiều lần.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nếu thiếu cần rà soát để bổ sung, đặc biệt là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đánh giá rõ những hạn chế, bất cập để củng cố và xây dựng các chính sách cụ thể, chính xác hơn; bổ sung đánh giá tác động vào hồ sơ dự án luật…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp; cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần tiếp thu tối đa các ý kiến, nội dung nào không tiếp thu cần có giải trình chi tiết, cụ thể.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới ghi nhận các ý kiến phát biểu đã đi thẳng vào các nội dung quan trọng của dự thảo luật, như việc sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Thường trực Ủy ban nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra, kịp thời trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới, bảo đảm tiến độ, chất lượng.