
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; các Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và Đại học Bách khoa Hà Nội; đông đảo chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận, Đại học Bách khoa Hà Nội là nơi dẫn dắt công nghệ, kiến tạo tương lai cho đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời với tầm tư duy vượt trội, đặt ra nhiều kỳ vọng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học và cả xã hội để tạo sự bứt phá. Tiếp đó, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã được ban hành. Và, hiện nay, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín.

"Do đó, nhiệm vụ của tất cả các cơ quan liên quan là phải nỗ lực tiếp thu để có được một văn bản luật tốt nhất, mở ra không gian phát triển mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; không chỉ tháo gỡ một vài vướng mắc mà phải tạo ra một hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định về tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 95 điều (tăng 14 điều với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành.
Tại cuộc làm việc, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung góp ý về các nội dung trọng tâm của dự thảo Luật như: chính sách thu hút đầu tư; ứng dụng kết quả nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ; cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; hội nhập quốc tế...

Quan tâm đến nội dung về thu hút, trọng dụng nhân tài tại Điều 56, các đại biểu cho rằng, hiện nay dự thảo Luật đang quy định khung còn hẹp. Luật hiện hành có quy định về thu hút, trọng dụng nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia người nước ngoài, tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này lại chưa đề cập đến. Cho rằng, đây cũng là một nội dung rất quan trọng vì nguồn nhân lực khoa học, công nghệ không chỉ huy động trong nước mà còn cần huy động cả nguồn nhân lực là người nước ngoài, do đó, các đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung vào Điều 56. Đồng thời, cần làm rõ hơn các chính sách trong việc đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài khoa học, công nghệ.

Một số đại biểu kiến nghị, trong dự thảo Luật nên bổ sung nội dung về đầu tư về khoa học, công nghệ theo hướng hướng đến hai mục tiêu. Thứ nhất là phát triển nguồn lực tri thức, tức là con người để cơ sở giáo dục đại học có thể thụ hưởng chính sách; thứ hai là đầu tư cho sản phẩm nghiên cứu. Và khi đầu tư thì nên xét đến yếu tố đầu tư trọng tâm, trọng điểm; năng lực thấp thu vốn đầu tư nhà nước; đánh giá đội ngũ quản trị của tổ chức tiếp nhận đầu tư.
Ngoài ra, đối với hợp tác công tư phải có những cơ chế thực sự thuận lợi để các cơ sở giáo dục đại học huy động được nguồn tài chính ngoài ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, các nội dung được góp ý đều rất xác đáng, chạm đến những vấn đề hiện nay còn nhiều trăn trở, vướng mắc. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ nghiêm túc tiếp thu trong quá trình thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.