Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Pháp luật; lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao, đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Về vấn đề cụ thể được doanh nghiệp quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Đồng thời, để thực hiện mục tiêu này cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm)…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nhằm bảo đảm đạo luật này là sản phẩm tập hợp trí tuệ của hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn các ý kiến đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục dự thảo luật; cần làm rõ những điều kiện thuận lợi của dự thảo Luật để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai công bằng, sử dụng, khai thác hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề cập đến các hình thức thu hồi đất đai hiện nay, Phó Thủ tướng cho biết, do thực hiện hai cơ chế thu hồi đất (hành chính và dân sự) nên hiện đang xảy ra hiện tượng nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận với những dự án quy mô nhỏ thì giá đền bù rất cao do lợi nhuận thu về lớn. Song, những dự án quy mô lớn do nhà nước thực hiện thu hồi có giá đền bù thấp hơn do phải đảm bảo sự công bằng, các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế, vấn đề xã hội và lâu dài.
“Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai. Đồng thời, trong tất cả các dự án, nhà nước đều thực hiện thu hồi, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên, việc tính toán, điều hòa giá trị đất đai gia tăng còn rất khó khăn. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cần nhìn nhận, đóng góp ý kiết sát thực tiễn”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Phó Thủ tướng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, Nhà nước phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch thì những doanh nghiệp phát triển dự án và những người dân bị thu hồi đất đều có lợi. Do vậy, tại dự thảo Luật cũng cần phải lượng hóa, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.
Cân nhắc bổ sung trường hợp được trả tiền thuê đất một lần
Tại Hội thảo, các nội dung về những trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất... được cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, đối với hai trường hợp được Điều 120 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê (sản xuất nông, lâm nghiệp, làm muối và sử dụng đất khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao), thì cần hướng đến cho phép doanh nghiệp lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất theo khả năng của mình. Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp sử dụng đất thương mại, dịch vụ để xây dựng khu đô thị, nhà ở, nhà nghỉ dưỡng theo đúng quy hoạch, tuân thủ đúng quy trình, thủ tục được luật định cũng được tiến hành nộp tiền thuê đất một lần.
Đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ khi thu hồi, một số ý kiến đề nghị, cần thống nhất đền bù thoả đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định, bảo đảm cho đời sống của người dân. Chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí thực hiện và sau đó được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp hàng năm. Quy định như vậy sẽ phân định rõ trách nhiệm của các bên hơn so với quy định tại Luật hiện hành, cũng như thể hiện tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cũng liên quan đến vấn đề này, Điều 127 của dự thảo Luật quy định, các dự án đô thị, nhà ở thương mại ở khu vực đô thị nếu có quy mô 50 ha, ở khu vực nông thôn có quy mô 20 ha thì sẽ phải tiến hành đấu thầu cấp quyền sử dụng đất. Một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng, không nên áp dụng tiêu chuẩn đồng loạt với các dự án đô thị, nhà ở thương mại phải tiến hành đấu thầu, cần phân chia theo cấp, loại đô thị.
Một số ý kiến đề nghị, cần tăng cường kiểm soát, quản lý đối với đất giáo dục; giảm bớt các thủ tục hành chính cho việc tiếp cận đất, xây dựng trường học, xây dựng chính sách ưu đãi đối với đất giáo dục...