Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác tác tuyên giáo từ nay đến hết nhiệm kỳ
Tại cuộc làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay; một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động tổng kết thực tiễn, điều tra dư luận xã hội, nghiên cứu lý luận, xây dựng 52 đề tài, đề án (tổng số các đề tài, đề án thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2025), trong đó 23 đề tài, đề án đã hoàn thành tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định mới của Đảng; 2 đề tài, đề án đã trình Bộ Chính trị ban hành văn bản mới; 9 đề án, nhiệm vụ hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chỉ đạo tiếp tục thực hiện; 18 đề tài, đề án đang thực hiện theo tiến độ đến hết năm 2025. Các đề tài, đề án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; dự thảo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 40 năm Đổi mới…; chủ động triển khai xây dựng Chiến lược công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Chính trị khóa XIV.
Công tác tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được triển khai chủ động, kịp thời, có nhiều đổi mới, được các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các quan điểm, chủ trương, đường lối của Trung ương.
Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII được quan tâm chỉ đạo, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ việc học tập, làm theo Bác trong xã hội.
Đặc biệt, việc tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là cơ sở quan trọng để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, là căn cứ để các cấp ủy, cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa”, nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch được đổi mới cả về nội dung và hình thức đấu tranh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả tích cực. Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền, điều tra, nắm bắt dư luận xã hội… ngày càng kịp thời, chủ động, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội lành mạnh, tích cực, tạo dòng thông tin tích cực là chủ lưu trên không gian truyền thông.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành 120 hướng dẫn, 350 kế hoạch, 46 tài liệu, đề cương để định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trên các nhiều lĩnh vực; thực hiện 33 cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội; 40 báo cáo nhanh cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp. Thông tin, tuyên truyền các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, các hoạt động đối ngoại được xây dựng kế hoạch bài bản, chỉ đạo, định hướng sớm, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn trong thông tin, tuyên truyền.
Công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ được thực hiện một cách bài bản, có chiều sâu, tạo sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền trong việc đầu tư, hỗ trợ hoạt động văn hóa, văn nghệ. Công tác tham mưu lĩnh vực khoa giáo ngày càng được đổi mới, bám sát thực tiễn đời sống xã hội và yêu cầu đòi hỏi của đất nước trong bối cảnh mới.
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu bật 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác tác tuyên giáo từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan cũng đã trao đổi nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; ghi nhận những nỗ lực của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Tuyên giáo trong thời gian qua; thẳng thắn đề cập đến một số vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền về Đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội XIV của Đảng; tăng cường thông tin, tuyên truyền, lan tỏa, làm sâu sắc những thông điệp, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu trên cơ sở bám sát thực tiễn
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những nỗ lực, cố gắng, những kết quả nổi bật của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, kể từ khi có Đảng, đặc biệt sau 40 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vĩ đại. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Đạt được những thành tựu đó, là sự chung sức đồng lòng, nỗ lực phấn đấu phi thường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng, trong đó có đóng góp quan trọng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trong những năm gần đây, công tác tuyên giáo được triển khai đồng bộ, từng bước đi vào chiều sâu trên cơ sở bám sát thực tiễn; tích cực tham mưu với Trung ương Đảng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quy định của Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và công tác tuyên giáo, trong đó có những vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin đối ngoại, nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội được thực hiện khá bài bản; định hướng thông tin truyền thông chủ động, hiệu quả hơn, trên cả không gian thực và không gian mạng...
Ban Tuyên giáo Trung ương đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương, từng bước xây dựng, củng cố thế trận thông tin truyền thông, tạo dòng thông tin chủ lưu chính thống, lấn át thông tin tiêu cực, sai sự thật, tạo đồng thuận, khơi dậy ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Công tác khoa giáo tiếp tục được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ những vấn đề mà Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành tuyên giáo cần khẩn trương, quyết liệt quan tâm giải quyết để khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đã nêu ra.
Tạo sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí, khí thế thi đua trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, đã định hướng tuyên truyền thông tin tích cực, nhất là đối với các sự kiện lớn, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, đã áp đảo thông tin tiêu cực; thực tiễn chỉ có khoảng 1% thông tin xấu độc, sai sự thật, song vẫn có tác động rất lớn, hàng ngày, hàng giờ đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân... Lưu ý vấn đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, thực tiễn cho thấy, chỉ những hành động cụ thể, thiết thực, chăm lo chân thành đến cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân mới là giải pháp tuyên truyền căn cơ nhất, bẻ gãy các luận điệu xuyên tạc, cho nên tuyên truyền phải gắn với thực tiễn, “nói đi đôi với làm” thì dân mới tin, mới ủng hộ, mới làm theo.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vừa qua các thông điệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra tạo ra khí thế phấn khởi, khơi dậy tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Nhấn mạnh công tác tuyên giáo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới rất cấp bách, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, kỷ nguyên vươn mình ở đây hàm ý chính là sự chuyển biến mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua những thách thức, vượt qua chính mình, vươn tới những khát vọng, mục tiêu và đạt được những thành tựu mới. Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; sánh vai với các cường quốc năm châu.
Từ thực tiễn này đặt ra vấn đề: Ban Tuyên giáo cần làm gì, đề xuất giải pháp gì để phát huy, duy trì tâm trạng xã hội này? Đây là yêu cầu cấp bách của Đảng đối với công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương hiện nay.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần thống nhất nhận thức công tác tuyên giáo là công tác của Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi chi bộ, đảng viên; không phải công việc của Ban Tuyên giáo, của ngành tuyên giáo, nếu mình làm đơn độc như thế sẽ không thể thành công được. "Phải làm sao huy động được cả hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức của Đảng, thấm đến từng đảng viên, còn nếu không thì chỉ trên giấy thôi, không vào cuộc sống được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư đề nghị, mục tiêu công tác tuyên giáo trong giai đoạn cách mạng mới phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí, tạo khí thế thi đua trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo theo hướng chủ động, sát thực tiễn, nhạy bén, phát hiện và kịp thời tham mưu với Đảng giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn nổi lên. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống theo hướng thiết thực, giảm hội nghị, hội họp; bám sát thực tiễn cuộc sống của người dân, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng lĩnh vực, vùng, miền để có cách làm phù hợp với hơi thở của đời sống xã hội.
Công tác tuyên truyền phải có bước đi, lộ trình, phân vai cụ thể, đúng lúc, đúng chỗ, truyền đạt chính xác, hiệu quả đến mọi người dân, tạo ra trận địa truyền thông có lợi nhất, đạt đồng thuận cao của nhân dân, để dân hiểu, dân tin, dân nắm vững, dân nhất trí, dân quyết tâm thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Tổng Bí thư cũng đề nghị, phát huy tốt hơn vai trò của tuyên giáo, tập trung xây dựng đội ngũ “bút chiến” sắc bén về lý luận, am hiểu sâu sắc thực tiễn với các chuỗi bài có tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục cao, tạo đồng thuận trong thực hiện những chủ trương lớn, giải quyết những vấn đề bức xúc, có khả năng lan tỏa trong nhân dân, phản bác sắc bén các quan điểm sai trái. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về trách nhiệm và quyền hạn, Tổng Bí thư cũng nêu rõ: Nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo, thì không đi vào lòng người, lòng dân; “kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm”.
Tổng Bí thư đề nghị, cần đi sâu nắm vững tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc nổi lên. Các cơ quan cần hợp tác với nhau để nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trước những chủ trương chiến lược, tham mưu với Đảng giải quyết kịp thời những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tập trung nắm tình hình, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với Đảng các chủ trương chiến lược về khoa giáo, nhất là y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, bảo đảm văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại.
Tổng Bí thư yêu cầu, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo thật sự là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, tuyên giáo của Đảng, đoàn kết, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các văn nghệ sỹ, có công trình, tác phẩm, có tính dẫn dắt, tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Với truyền thống hơn 94 năm xây dựng, trưởng thành, phát triển gắn bó sâu sắc và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng rằng, ngành tuyên giáo nói chung và Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng sẽ phát huy cao độ truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm quý báu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân đã tin cậy giao phó.