Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các thành viên Hội đồng Dân tộc; đại diện các Ủy ban của Quốc hội.
Tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi
Trình bày báo cáo Thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, hồ sơ trình của Chính phủ đã cơ bản tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc; hồ sơ hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ, trình tự theo quy trình rút gọn. Vì vậy, hồ sơ của Chính phủ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định.
Về tên gọi của Nghị quyết, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, tên gọi của Nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tên gọi sau khi tiếp thu là: “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, tên gọi như trên là phù hợp, bảo đảm ngắn gọn, xúc tích và có tính khái quát cao.
Có ý kiến cho rằng, tên của Nghị quyết không nên có từ “cơ chế” để bảo đảm theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Điều 4), tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ là phù hợp, sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi thường xuyên vốn sự nghiệp. Mặt khác chính sách này cũng thể hiện tinh thần phân cấp, trao quyền theo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Hội đồng Dân tộc đề nghị, nên cân nhắc bổ sung quy định phân cấp giao cho cấp tỉnh thông báo số dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm tiếp theo để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Nghị định 38/2023 (sửa đổi bổ sung Nghị định 27/2022) có quy định chủ chương trình “Xây dựng phương án phân bổ và thông báo dự kiến mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 5 năm; hằng năm thông báo mức vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 3 năm của chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Nội dung này chưa có trong quy định của pháp luật và cần được nghiên cứu, bổ sung vào nội dung chính sách để bảo đảm tính thống nhất, khả thi.
Đa số thành viên Hội đồng Dân tộc có ý kiến bổ sung quy định cho Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh khi phân bổ chi tiết chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm, năm còn lại thì có thể căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương về đối tượng, địa bàn, nhu cầu, bảo đảm nguyên tắc chung nhất là trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tập trung cho các hoạt động có hiệu quả, mà không nhất thiết phải tuân thủ theo các quy định chi tiết về tiêu chí phân bổ vốn trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn áp dụng cho từng Chương trình mục tiêu quốc gia.
Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng cơ chế phân bổ dự toán như đề xuất của chính phủ sẽ dẫn đến không phân loại lĩnh vực đối với khoản chi cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, không bảo đảm thống nhất trong công tác tổng hợp, đánh giá, kiểm soát tổng thể về mục tiêu, cơ cấu chi ngân sách nhà nước của từng Chương trình và đề nghị thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Làm rõ việc điều chỉnh vốn ngân sách nhà nước
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, điểm b, khoản 2, Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định “UBND cấp tỉnh, cấp huyện, theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 theo quy định tại các nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29.11.2023 của Quốc hội”.
Có ý kiến đề nghị làm rõ việc điều chỉnh vốn ngân sách nhà nước (gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) như dự thảo Nghị quyết có phải thực hiện trình HĐND các cấp phê duyệt trước khi UBND các cấp thực hiện điều chỉnh hay không?
Góp ý vào điểm c, khoản 2, Điều 4 dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc thực hiện điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị quyết, song có ý kiến cũng đề nghị cân nhắc quy định đối với dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, cụ thể, cần quy định rõ tỷ lệ giải ngân bao nhiêu % được xác định là tỷ lệ giải ngân thấp, cần tính đến quy định tỷ lệ giải ngân thấp trong khoảng thời gian bao lâu… nhằm bảo đảm thực hiện được nguyên tắc.