Sáng 23.8, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với Netflix tổ chức hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý của các bộ, ban, ngành như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông…, các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng đông đảo nghệ sĩ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet, kết nối toàn cầu trên nhiều lĩnh vực và con người đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho mọi người. Mặt khác, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Một trong những điểm nhấn của hội thảo là việc công bố kết quả nghiên cứu về thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam. Nhóm tác giả gồm các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp cho người nghe một cái nhìn khá toàn diện và chi tiết gồm hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và các chính sách riêng cho từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.
Tại hội thảo diễn ra các phiên thảo luận tập trung tìm hiểu về những cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam dưới góc nhìn của những người trực tiếp thực hành nghệ thuật; đại diện những quản lý, tư vấn, hoạch định chính sách văn hóa cũng thảo luận về chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số tại Việt Nam.