Công cụ hữu hiệu phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng
Sáng 17.10, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Bảo hiểm - Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, bảo hiểm từ lâu đã được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nền kinh tế hiện đại. Thông qua bảo hiểm, các cá nhân và tổ chức có thể giảm thiểu những rủi ro liên quan đến các yếu tố bất ngờ như thiên tai, tai nạn, bệnh tật, cháy nổ, hay thậm chí là các biến động về tài chính.
“Trong một thế giới ngày càng phức tạp và đầy rủi ro, bảo hiểm trở thành một tấm lá chắn giúp bảo vệ các bên tham gia khỏi những tổn thất không mong muốn”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của bảo hiểm là phân tán rủi ro. Theo đó, thay vì để một cá nhân hay tổ chức phải chịu toàn bộ gánh nặng tài chính khi xảy ra sự cố, bảo hiểm cho phép sự chia sẻ rủi ro giữa nhiều bên tham gia. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro lên từng cá nhân, doanh nghiệp, và từ đó giảm thiểu những hậu quả xấu lên nền kinh tế chung.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ tài chính, bảo hiểm còn đóng vai trò như một nguồn vốn quan trọng cho các hoạt động đầu tư. Khi các công ty bảo hiểm thu phí từ người tham gia, họ tích lũy nguồn quỹ khổng lồ và có thể tái đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nhờ đó, bảo hiểm góp phần cung cấp vốn cho các dự án phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động sản xuất – kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Không những thế, bảo hiểm còn có vai trò trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Trong các thời kỳ khủng hoảng tài chính hoặc thiên tai, bảo hiểm có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho các chính phủ và doanh nghiệp, giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế và ngăn chặn những cú sốc tiêu cực lan rộng. Ngoài ra, bảo hiểm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và sáng tạo, góp phần bảo vệ hệ thống tài chính.
Rõ ràng, “bảo hiểm không chỉ là công cụ phòng ngừa rủi ro mà còn là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi bảo hiểm hoạt động hiệu quả, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ sự ổn định tài chính và các nguồn vốn dài hạn từ các quỹ bảo hiểm. Đặc biệt, trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhanh, vai trò của bảo hiểm càng trở nên quan trọng”, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Làm rõ hơn về những đóng góp của ngành bảo hiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, số tiền tái đầu tư trở lại để phát triển kinh tế của ngành bảo hiểm là khoảng 757.000 tỷ đồng. Số tiền này được ngành bảo hiểm tích lũy và đầu tư kinh tế bằng cách đầu tư trực tiếp, thông qua các tổ chức ngân hàng, trái phiếu… Đây là con số không nhỏ.
Cũng trong năm 2023, ngành bảo hiểm đã chi trả bồi thường thiệt hại 84.000 tỷ đồng. Việc chi trả bồi thường này bảo hiểm vẫn thầm lặng làm trong nhiều năm qua, ông Tuấn xác nhận.
Doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, tích cực khắc phục hậu quả bão Yagi
Đặc biệt, cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua càng thể hiện vai trò quan trọng của bảo hiểm.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Phạm Văn Đức thông tin, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế với trên 80.000 tỷ đồng. Ngay sau bão, Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức ngay rà soát thiệt hại, thực hiện tạm ứng, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ theo cam kết bảo hiểm.
Tính đến 17h ngày 16.10.2024, ước thiệt hại do bão Yagi lên tới 12.811 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% tổng thiệt hại do bão gây ra; trong chủ yếu là các bảo hiểm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới (chiếm 96%). Đến nay, các doanh nghiệp đã tạm ứng bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.
Về bảo hiểm thân tàu (liên quan tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), các doanh nghiệp đã chi trả bồi thường 209 tỷ đồng. Về bảo hiểm sức khỏe có 46 vụ, bảo hiểm đã chi trả, bồi thường 4 tỷ đồng liên quan đến tai nạn…
“Việc bảo hiểm rất quan trọng cho tổ chức, cá nhân khi có tổn thất. Khi có tổn thất xảy ra, nếu tham gia bảo hiểm thì được đền bù để khôi phục lại hoạt động, sản xuất kinh doanh”, ông Đức nêu rõ.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ thực hiện việc chi trả bồi thường cho khách hàng, mà còn luôn chú trọng công tác phòng ngừa rủi ro.
Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) Nguyễn Hồng Phong cho biết, ABIC ghi nhận số lượng khách hàng bị thiệt hại lên tới gần 600 vụ với số tiền dự kiến bồi thường là gần 400 tỷ đồng. “Với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác thì đây chưa phải là lớn, nhưng đối với chúng tôi thì chưa khi nào bị tổn thất lớn như thế”, ông nói.
Trước khi cơn bão đến, ABIC đã huy động toàn thể đơn vị trên các địa bàn bị ảnh hưởng của bão liên hệ với khách hàng để cảnh báo, hướng dẫn các bước thực hiện công tác phòng ngừa tổn thất.
Sau khi bão đi qua, ABIC đã thành lập 15 đoàn đi khảo sát các địa bàn, tiếp cận các khách hàng để thực hiện công tác ghi nhận tổn thất và giám định ngay tại hiện trường; đồng thời huy động lực lượng từ miền Trung, miền Nam ra, cùng phối hợp với các công ty giám định độc lập để thực hiện công tác bồi thường.
Về quy trình, thủ tục giải quyết bảo hiểm cũng đã được ABIC cải tiến theo hướng nhanh chóng, thuận lợi hơn cho khách hàng, thể hiện ở việc doanh nghiệp đã chủ động trao đổi với khách hàng, thay vì chờ khách hàng liên hệ. Nếu như trước đây, muốn đẩy nhanh quá trình bồi thường cũng không được thì với cơn bão lần này do tác động gây ra quá lớn, đã thúc đẩy nhanh quy trình giải quyết bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, ông Phong xác nhận.
Đến nay, ABIC đã chi trả tạm ứng khoảng 30 tỷ đồng cho khách hàng bị tổn thất do bão Yagi và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng. “Chúng tôi cam kết với khách hàng tham gia bảo hiểm là hãy hoàn toàn yên tâm, chúng tôi sẽ có trách nhiệm với các tổn thất của khách hàng”, Tổng giám đốc ABIC Nguyễn Hồng Phong phát biểu.
Tương tự ABIC, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Vietinbank (VBI) Bùi Thị Thanh Xuân xác nhận, công tác phòng chống và giảm thiểu thiệt hại là công việc thường xuyên của doanh nghiệp. “Chúng tôi không chỉ bán dịch vụ mà còn là những nhà tư vấn cho các doanh nghiệp cách phòng ngừa, hạn chế rủi ro do bão lũ, cháy nổ và các cách quản trị rủi ro trong hoạt động của khách hàng”.
Với phương châm hoạt động đó, trước khi cơn bão Yagi đổ bộ vào nước ta, VBI đã huy động các lực lượng từ mọi miền đất nước để cùng ở bên khách hàng, tư vấn, tham mưu cho họ các biện pháp phòng chống, chung tay giảm thiểu tổn thất như giúp khách hàng di chuyển hàng hóa ra chỗ an toàn; cùng khách hàng tìm kiếm, trục vớt hàng từ 8 sà lan hàng bị chìm trên Vịnh Hạ Long… “Nhiều khách hàng đã gửi lời cảm ơn tới VBI vì đã ở bên họ, chia sẻ cùng họ”, bà Xuân chia sẻ.
Ước tính thiệt hại do bão Yagi gây ra cho hơn 800 khách hàng của VBI, với số tiền dự phòng tổn thất chi trả cho khách hàng khoảng gần 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 4 loại hình chính: Tổn thất, thiệt hại về tài sản (nhà xưởng tốc mái, máy móc hư hỏng); tổn thất về tàu, hàng, sà lan; tổn hại về xe cơ giới và tổn hại về người.
Đến nay, VBI đã tạm ứng chi trả hai đợt trên 50 tỷ đồng và chuẩn bị tạm ứng chi trả đợt 3 sẽ hoàn thành với trên 100 tỷ đồng. Đối với xe cơ giới, đến nay, VBI đã giải quyết xong để khách hàng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Dù ảnh hưởng của cơn bão rất lớn nhưng chúng tôi cam kết sẽ giải quyết và đưa ra giải pháp giải quyết sớm nhất cho khách hàng của mình, giúp khách hàng nhanh chóng quay trở lại sản xuất kinh doanh”, Phó Tổng giám đốc VBI Bùi Thị Thanh Xuân phát biểu.
Còn tại Bảo hiểm BIDV (BIC), Phó Tổng giám đốc Đoàn Thị Thu Huyền cho biết, BIC là một trong 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, hiện đang xếp vị trí thứ 5 trên thị trường, chiếm khoảng 6% doanh thu gốc. Các sản phẩm bảo hiểm của BIC cung cấp tới khách hàng đều bảo đảm 3 lợi ích: lợi ích đầu tiên thuộc về khách hàng khi mua bảo hiểm; thứ hai là bảo đảm an toàn vốn cho tổ chức tín dụng trong trường hợp cấp bảo hiểm qua ngân hàng; thứ ba mới đến doanh nghiệp bảo hiểm.
Cũng như nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, với những vụ bồi thường trước nguy cơ thiên tai nói chung, BIC đều có cảnh báo và chia sẻ với khách hàng kịp thời, với phương châm “phòng còn hơn chống”. Bởi lẽ, dù doanh nghiệp có mua bảo hiểm đi chăng nữa thì khi có vấn đề để xảy ra, chắc chắn doanh nghiệp vẫn tổn thất.
Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi vừa qua, ước tính BIC chia sẻ đối với tổn thất cho các doanh nghiệp và cá nhân là hơn 1.000 vụ, với 700 tỷ đồng, trải đều các mảng BIC đang kinh doanh, cung cấp tới khách hàng gồm tài sản kỹ thuật, tàu hàng, bán lẻ, con người.
Xác nhận việc chi trả bảo hiểm do ảnh hưởng của cơn bão Yagi sẽ tác động tới hiệu quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm, song Phó Tổng giám đốc BIC Đoàn Thị Thu Huyền khẳng định: Các cổ đông cũng như khách hàng an tâm vì mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đều có quỹ phòng ngừa rủi ro, trích lập theo quy định. Trong suốt 19 năm hoạt động, BIC đều bảo đảm trích lập quỹ này!
Nhìn lại công tác chi trả bồi thường cho các khách hàng bị tổn thất nói chung, chi trả cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi nói riêng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là “bà đỡ”, “lá chắn” tránh tổn thất cho người dân.
Đáng chú ý, theo ông Tuấn, do chịu tác động nặng nề của cơn bão Yagi, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường thiệt hại rất nhanh, có thể tạm ứng bồi thường ngay 20 – 30% trong khi quy trình cần phải có giám định, giấy tờ đầy đủ; đây là điều mà trước đó chưa từng xảy ra.
Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu nhận xét, hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi, đại dịch Covid-19… gây ra, nếu doanh nghiệp, người dân không tham gia bảo hiểm thì họ sẽ mất trắng. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng, trong việc giúp người dân, doanh nghiệp hạn chế tối đa thiệt hại khi gặp rủi ro. Qua đó, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vì sao bồi thường do bão Yagi còn khiêm tốn?
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến 16.10, số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường do bão Yagi mới đạt 213 tỷ đồng trên tổng số 12.811 tỷ đồng.
Lý giải điều này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Phạm Văn Đức cho rằng, đối với các tài sản kỹ thuật cần có thời gian để xác định giá trị thiệt hại, lên dự toán để đưa vào sữa chữa, thay thế, từ đó sẽ có tạm ứng theo từng thời kỳ, sau đó mới trả đầy đủ theo đúng cam kết, do vậy có độ trễ.
Dù khẳng định các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ, đã nhanh chóng thực hiện bồi thường thiệt hại cho khách hàng do ảnh hưởng của bão Yagi, song Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, công tác chi trả bồi thường bảo hiểm hiện vẫn gặp những khó khăn.
Phân tích rõ hơn, ông Tuấn cho biết, nguồn chi trả bảo hiểm dựa vào tài chính của doanh nghiệp tích lũy và nguồn từ chuyển giao rủi ro cho tổ chức quốc tế có đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất non trẻ, chỉ chiếm khoảng 2% GDP. Năm 2023, tổng vốn chủ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 40.000 tỷ đồng, mà quy định mỗi rủi ro bảo hiểm bảo đảm thanh toán không được phép nhận quá 10% tổng vốn chủ, tức chỉ có khoảng 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, để bồi thường cho 12.811 tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi, trong nước chỉ chi trả được tối đa 4.000 tỷ và có thể đẩy nhanh, còn lại 8.000 tỷ đồng từ tái bảo hiểm mà lớn nhất là từ quốc tế. Trong khi đó, để tổ chức tái bảo hiểm quốc tế chi trả cho khách hàng thì họ cần phải cử chuyên gia đến tận nơi để thẩm định, tức phải có thời gian.
Về lâu dài, ngành bảo hiểm cần được phát triển mạnh mẽ hơn thì số tiền chi trả bồi thường thiệt hại sẽ tăng lên, thời gian chi trả cũng sẽ nhanh hơn, ông Tuấn tin tưởng.
Tổng Giám đốc ABIC Nguyễn Hồng Phong bổ sung, mặc dù phía doanh nghiệp đã nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi, song do cơn bão mang tính thảm họa, với số lượng người dân và khách hàng bị tổn thất lớn "chưa từng có trong lịch sử ngành bảo hiểm Việt Nam” (riêng với Ngân hàng Agribank có trên 82.000 khách hàng gồm doanh nghiệp, hộ sản xuất lẫn cá nhân bị tổn thất do bão), vì thế công tác khắc phục là cực khó khăn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, khách hàng vẫn chưa xong công tác dọn dẹp sau bão.
Thêm vào đó, về mặt số liệu sổ sách tài sản, hàng hóa có sự biến động, sổ sách bị mất, thống kê chưa đầy đủ, rõ ràng, muốn khắc phục thì đòi hỏi phải có thời gian.
Trên tinh thần hướng tới khách hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp bảo hiểm như ABIC, BIC, VBI đang nỗ lực giải quyết nhanh nhất cho khách hàng, với mong muốn giúp khách hàng nhanh chóng quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau bão.
Ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tạm ứng chi trả bồi thường cho khách hàng chịu ảnh hưởng của bão Yagi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên khuyến nghị, các doanh nghiệp bảo hiểm xem xét để có thể rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian. Nếu làm được sẽ giúp người tiếp nhận bảo hiểm là các cá nhân, doanh nghiệp có khoản tiền để quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền góp phần phát triển thị trường bảo hiểm
Dù có những đóng góp quan trọng đối với phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song ngành bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ của nước ta nói riêng vẫn phát triển chưa xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội!
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phân tích, trong số hơn 80.000 tỷ đồng thiệt hại do bão Yagi vừa qua, tỷ lệ được bảo hiểm mới chiếm khoảng 17% (12.811 tỷ đồng). Trong khi đó, cơn bão Milton vừa đổ vào nước Mỹ gây tổn thất dự kiến khoảng 170 tỷ USD thì có tới 125 tỷ USD được bảo hiểm. Điều đó cho thấy Việt Nam vẫn trong nhóm các nước có tỷ lệ tham gia bảo hiểm rất thấp.
Trên thế giới, tỷ lệ mua bảo hiểm trung bình khoảng 90%. Tại Việt Nam doanh thu bảo hiểm năm 2023 vào khoảng 9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP, trong khi mức trung bình của châu Á là 4% và thế giới là khoảng 9%. Tổng vốn chủ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong năm 2023 là khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 39.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy ngành bảo hiểm của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ.
Lý giải về việc ngành bảo hiểm chưa phát triển tương xứng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, đâu đó vẫn có tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa hiểu hết vai trò của bảo hiểm. Nguyên do một phần vì công tác truyền thông làm chưa thực sự tốt; mặt khác là bởi hiệu ứng không tích cực khi có một số vụ tranh chấp về bảo hiểm, khiến người dân có định kiến với bảo hiểm.
Tuy vậy, bà Nguyên cho rằng, từ sau cơn bão Yagi với những thiệt hại nặng nề về xe cộ, nhà xưởng, tàu thuyền…, người dân và doanh nghiệp sẽ hiểu rằng nếu không có bảo hiểm, họ sẽ trắng tay. Do đó, đây chính là dịp cần có tuyên truyền tốt hơn về bảo hiểm.
Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp và người dân hoàn toàn yên tâm được bảo vệ, không có cảm giác thiệt thòi trong cuộc chơi này. Cùng đó, cần tăng cường thanh tra, giám sát, để khi có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời ngăn chặn.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi không chỉ cho người dân, doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý cùng hiểu rõ về vai trò của bảo hiểm. Khi tổn thất xảy ra, nhờ có bảo hiểm nên khách hàng được chi trả bồi thường, song chính Nhà nước cũng giảm bớt được kinh phí khắc phục.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ tư vấn viên; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, khách hàng tham gia bảo hiểm.
Chia sẻ với ý kiến trên, Ủy viên Ủy ban Xã hội Trương Xuân Cừ cho rằng, một phần nguyên nhân khiến bảo hiểm chưa phát triển là bởi những định kiến trong xã hội. Vì thế, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Song, nếu chỉ tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội là chưa đủ, cần thông qua các hiệp hội, tổ chức, các cấp ủy chính quyền địa phương. Quan trọng nhất là phải biết được hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân chưa tham gia bảo hiểm là những đơn vị nào, cần tiếp cận như thế nào và tuyên truyền theo hình thức nào có hiệu quả, tức phải sâu sát thì mới hiệu quả.
Mặt khác, ông Cừ chỉ ra, thực tiễn cho thấy khi xảy ra các tai nạn, rủi ro, không phải vụ việc nào cũng thuận lợi cho người mua bảo hiểm. Bởi vậy, việc quản lý, thực thi, triển khai các nhiệm vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải hết sức thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm phi nhân thọ.
Về phía Nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất; các quy chế, quy định luật pháp cần phải bảo đảm cho thị trường cạnh tranh minh bạch. Những doanh nghiệp nào còn tồn tại, hạn chế cần được đánh giá để xử lý một cách nghiêm túc, qua đó tạo dựng niềm tin đối với người dân. Niềm tin là một trong những yếu tố rất quan trọng để người dân tham gia bảo hiểm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu bổ sung, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, ban đầu, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ một phần phí cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dần dần, khi doanh nghiệp đã quen với bảo hiểm, thấy có lợi rồi thì họ sẽ thực sự có nhu cầu tham gia tiếp, khi đó Nhà nước sẽ không cần hỗ trợ nữa.
Mong hướng dẫn cụ thể khoản 5, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng chưa phát triển ở nước ta là bởi yếu tố tâm lý từ sự cố khủng hoảng truyền thông do một số ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ kiểu “bia kèm lạc” và tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, dẫn đến khách hàng mặc nhiên có định kiến với ngành bảo hiểm và việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, tại khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng cấm "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất là ở chỗ luật đã có hiệu lực từ 1.7.2024, song đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất, cụ thể và chính xác về quy định này, trong khi cũng không có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời rõ ràng như: Thế nào là “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”? Thế nào là “gắn” việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ? “Mọi hình thức” ở đây là gì, có bao gồm hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm không?...
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank Nguyễn Hồng Phong thông tin, trước đây, 80% doanh thu đến từ hoạt động bán bảo hiểm qua Ngân hàng Agribank. Tuy nhiên, từ 1.7.2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, nhiều chi nhánh Agribank đã dừng việc bán sản phẩm bảo hiểm. Điều này gây tổn thất về doanh thu cho cả doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng, phía khách hàng cũng không được bảo vệ; đồng thời ảnh hưởng đến nhu cầu chuyển giao rủi ro giữa ngân hàng sang công ty bảo hiểm.
Mặc dù ngày 11.10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc triển khai thực hiện khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng, song ông Phong cho rằng, để tạo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động, Ngân hàng Nhà nước cần có thông tư để có tính pháp lý cao hơn.
Đồng tình, Phó Tổng giám đốc BIC Đoàn Thị Thu Huyền cũng cho rằng, các công ty bảo hiểm đều muốn hợp tác với tổ chức tín dụng để bán chéo sản phẩm bảo hiểm theo luật. Khi đó, các công ty bảo hiểm đều phải chuẩn bị về hạ tầng, hệ thống tư vấn viên để bán hàng tại các điểm bán của ngân hàng.
Tuy nhiên, khoản 5 Điều 15 trong Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định cứng, nhưng lại không có văn bản hướng dẫn ở cấp nghị định, thông tư dẫn đến cách hiểu khác nhau. Luật cũng không phân định rõ bảo hiểm nhân thọ với phi nhân thọ, trong khi khâu bán hàng thì phân biệt rõ. Do vậy cần thiết có văn bản mang tính chính thống để hướng dẫn quy định này, bà Huyền đề xuất.
Phó Tổng giám đốc VBI Bùi Thị Thanh Xuân bổ sung, khi tổn thất xảy ra, công ty bảo hiểm đã luôn chủ động về tài chính và có nhà tái bảo hiểm để đồng hành chia sẻ với khách hàng. Tuy nhiên, khi có tổn thất xảy ra thì phí bảo hiểm năm sau chắc chắn sẽ tăng.
Cũng theo bà Xuân, tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định “căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa 25% tính trên phí bảo hiểm”, song thực tế chỉ có giảm nhưng không tăng. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt, không xảy ra tổn thất trong nhiều năm thì có thể giảm phí, nhưng với doanh nghiệp mà trải qua nhiều năm khấu hao thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cơ sở vật chất đi xuống, rủi ro tăng lên thì phí lại giảm
Từ phân tích trên, Phó Tổng giám đốc VBI Bùi Thị Thanh Xuân đề xuất, cần làm rõ quy định về trường hợp tăng hoặc giảm phí bảo hiểm này, để các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn.
Phản hồi về các đề xuất của doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Phạm Văn Đức cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, trong đó quy định rõ doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý bảo hiểm phải có chào bán, giao kết hợp đồng với bảo hiểm tự nguyện phải công khai minh bạch, tư vấn về quyền lợi bảo hiểm phải rất rõ. Người tham gia bảo hiểm mà chưa rõ lợi ích, điều kiện, điều khoản, quyền lợi tham gia, hồ sơ thủ tục bồi thường khi tổn thất xảy ra thì sẽ biết cần phải báo cho ai.
Để tránh trường hợp tư vấn không rõ gây khiếu kiện, ông Đức đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên tư vấn viên.
Hiện, Chính phủ giao Bộ Tài chính sửa Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vì phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Chúng tôi sẽ đưa vào nội dung quy định doanh nghiệp nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có sai phạm trong tư vấn về bảo hiểm sẽ xử phạt hành chính, ông Đức thông tin.
Còn đối với Nghị định 67/2023/NĐ-CP, ông Đức cho biết, phí tăng/giảm 25% áp dụng với giá trị bảo hiểm công trình xây dựng dưới 1.000 tỷ đồng thì được tăng/giảm 25%; còn trên 1.000 tỷ đồng thì phụ thuộc vào tái bảo hiểm, nếu thu xếp tốt, có tỷ lệ tổn thất bình quân chung thấp thì phí bảo hiểm sẽ giảm.
Về việc doanh nghiệp phản ánh chỉ có giảm, không có tăng, ông Đức cho rằng, việc tăng/giảm cần xét đến các yếu tố sau. Một là phải đánh giá rủi ro của công trình đó xem liệu có xảy ra tổn thất không. Hai là doanh nghiệp bảo hiểm có mối quan hệ với khách hàng tốt, như nếu doanh nghiệp lâu nay tổn thất ít thì có bảo hiểm áp dụng quyền giảm phí. Ba là, doanh nghiệp là khách hàng trung thành của doanh nghiệp bảo hiểm, luôn tham gia các hoạt động của doanh nghiệp, có yếu tố cạnh tranh thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đánh giá là nếu tổn thất nhiều, thường xuyên, liên tục thì không giảm phí, nhưng nếu không bị tổn thất, uy tín khách hàng tốt thì giảm phí.
Cũng theo ông Đức, có ý kiến doanh nghiệp kiến nghị là nếu giá trị công trình bảo hiểm trên 1.000 tỷ đồng cũng đưa vào tăng/giảm 25%. Tuy nhiên, do phần này giá trị tương đối lớn nên chưa đánh giá được. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn lắng nghe để khi có bất cập sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền.