Huy động sức mạnh toàn dân tộc
“Cử quốc nghênh địch” chính là việc huy động sức mạnh cả nước tham gia đánh giặc ngoại xâm. Đây là tư tưởng, kế sách đặc sắc để hiệu triệu động viên mọi người dân trong nước, đứng lên cứu dân, cứu nước trong lúc lâm nguy trước nạn ngoại xâm. Thực hiện tư tưởng “Cử quốc nghênh địch” đã góp phần quyết định làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam, đánh bại các thế lực ngoại xâm như giặc Ân, quân Tần, giặc Đông Hán và giặc Tống, Mông - Nguyên, Minh, Thanh... để giữ gìn nền độc lập dân tộc và bảo vệ toàn vẹn cương vực, lãnh thổ đất nước. |
Mặc dù nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng trước hành động leo thang chiến tranh ngày càng trắng trợn và hết sức nguy hiểm của thực dân Pháp, chúng ta không còn sự lựa chọn nào ngoài việc phải đứng lên kháng chiến, trong điều kiện tương quan hết sức chênh lệch. Trong thời khắc lâm nguy, để cứu Tổ quốc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và phát triển tới đỉnh cao của kế sách và tư tưởng đặc sắc “Cử quốc nghênh địch” (cả nước đánh giặc) của ông cha ta để huy động sức mạnh toàn dân tộc chống lại sức mạnh của giặc ngoại xâm. Điều đó được thể hiện trước hết ở việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Từ quyết tâm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam đều phải đứng lên cứu Tổ quốc: “Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Đồng thời, Người chỉ rõ phải đánh giặc bằng bất cứ thứ vũ khí gì: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đối với anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân là những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, Người kêu gọi: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh”.
Đặc biệt, sự phát triển cao tư tưởng “Cử quốc nghênh địch” còn thể hiện ở việc khẳng định rõ niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến ngay từ ngày đầu đứng lên đánh giặc: “Thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta tại các thị xã, thành phố lớn từ Đà Nẵng trở ra Bắc nhất tề cầm vũ khí đánh địch. Tiêu biểu cho cả nước là cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội diễn ra từ 20h ngày 19.12.1946. Hình ảnh những chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” mãi mãi là biểu tượng bất tử về một cuộc chiến tranh nhân dân mà mỗi người dân đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc. Đó là biểu hiện sinh động, sự phát triển cao về tư tưởng “Cử quốc nghênh địch” trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, chỉ trong gần hai tháng (từ ngày 19.12.1946 - 17.2.1947) quân và dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giành giật với địch từng căn nhà, góc phố. Với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt trong gần 200 trận lớn nhỏ, quân và dân Thủ đô Hà Nội loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 quân địch, giam chân địch dài ngày để các địa phương trong cả nước có thời gian triển khai thế trận kháng chiến lâu dài.
Trong tình thế bị dồn ép, buộc phải cầm súng đứng lên giữ vững nền độc lập dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tiến công địch để giành thế chủ động, tạo ra lợi thế ngay từ đầu bằng việc phát động kháng chiến toàn quốc. Đây là biểu hiện sáng suốt, kịp thời, nhanh nhạy, quyết đoán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh biết mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân đúng lúc và đúng cách. Đó là sự phát triển cao độ tư tưởng “Cử quốc nghênh địch” của dân tộc Việt Nam, nhằm huy động sức mạnh cả nước tham gia đánh giặc. Chính quyết định thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tiến hành chiến tranh của thực dân Pháp, đưa tới thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sự kiện toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946 đã lùi vào lịch sử 70 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và hiện thực của nó. Nghiên cứu, suy ngẫm về quyết định sáng tạo, quyết đoán để cả nước đứng lên kháng chiến đúng lúc và đúng cách - sự phát triển cao về tư tưởng “Cử quốc nghênh địch” - trong thời đại mới của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa cho ta những kinh nghiệm sâu sắc trong huy động sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.