Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 1,1%
Năm 2023, việc thực hiện công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng DTTS và miền núi nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023, thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Các địa phương ghi nhận tỷ lệ nghèo giảm nhanh trong năm 2023, gồm: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.
Một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP cao như Bắc Giang đạt 13,45%, Hậu Giang là 12,27%, Ninh Thuận với 9,4%, Phú Yên là 9,16%, Bình Phước đạt 8,34%, Trà Vinh là 8,25%. Các tỉnh như Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước.
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đạt được khoảng 10.931,719 tỷ đồng, đạt 66,1% kế hoạch, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn của năm 2023 đạt 62,66% kế hoạch giao.
Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện tốt; Thủ tướng Chính phủ đã xuất cấp tổng số gần 21,5 nghìn tấn gạo cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công tác văn hóa, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào tiếp tục được các cấp, các ngành tạo điều kiện đầu tư, phát triển. Các lễ hội của đồng bào DTTS được tổ chức trang trọng, vui tươi, phù hợp với phong tục, tập quán, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Về trợ giúp pháp lý, từ đầu năm 2023 đến ngày 31.10.2023, đã trợ giúp pháp lý cho 7.548 lượt người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, qua đó giúp đồng bào DTTS bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Tiếp tục giải quyết những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả cơ bản trên, vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề bức xúc cần được tiếp tục giải quyết. Cụ thể như kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi còn thấp.
Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi còn yếu, đặc biệt đội ngũ cán bộ chất lượng còn hạn chế, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS hoặc có nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập. Tỷ lệ và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở chưa bảo đảm.
Đối với việc thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại địa phương, công tác tuyên truyền việc tham gia BHYT, BHXH có lúc chưa sâu rộng nên còn tình trạng người dân chưa nắm, hiểu về quyền lợi của người tham gia BHXH; số người dân nông thôn tham gia hiện nay còn thấp so với lực lượng lao động. Bên cạnh đó, việc tham gia BHYT vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nên khi không có hỗ trợ thì tỷ lệ tham gia BHYT giảm; vẫn còn tình trạng cấp thẻ trùng, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...
Để giải quyết khó khăn, thách thức đã đề ra, các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn, trách nhiệm, sâu sát, kịp thời, chủ động, năng động sáng tạo hơn; tăng cường công tác phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chân thành, cầu thị, tiếp thu, giải trình đầy đủ để đi đến sự thống nhất chung.
Mặt khác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; phát huy tinh thần đồng đội, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi thẳng thắn; quan tâm, thực hiện tốt hơn chế độ thông tin báo cáo, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền. Trong lĩnh vực tài chính ngân sách, việc xây dựng kế hoạch, phân bổ ngân sách, chi tiêu, quyết toán... cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, sai phạm...