Xã Điền Mỹ thuộc huyện Hương Khê nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là xã miền núi nhưng lại là vùng thấp, trũng. Mỗi năm nơi đây phải hứng chịu nhiều đợt lũ lụt, nên cũng được coi là vùng rốn lũ của tỉnh này. Trước đây, dù đã có sự chủ động, song mỗi khi mưa lũ về vẫn chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân yên tâm hơn khi họ đã biết xây dựng những căn nhà phao. Những căn nhà này sẽ là nơi “trú ẩn” cho các thành viên trong gia đình, nơi cất giữ các tài sản mỗi khi nước lũ dâng cao.
Những chiếc nhà phao được thiết kế khá đơn giản, gồm phần khung được làm bằng thép cố định, phía dưới được gắn các thùng phuy thể tích 200 lít kết nối với nhau. Bốn góc của căn nhà phao được neo giữ vào 4 cột trụ chắc chắn. Phần kết nối giữa nhà phao và các cột trụ có thể trượt lên trượt xuống, giúp căn nhà nổi lên hạ xuống theo con nước. Nhà phao được thưng bằng hệ thống tôn. Khi mùa mưa lũ đến, những chiếc thùng phuy như là chiếc phao giúp nâng toàn bộ nhà, người và tài sản bên trong nổi lên.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (56 tuổi, trú xã Điền Mỹ) chia sẻ, nếu như trước đây cứ đến mùa mưa lũ, người dân nơi đây lại lo lắng, xoay xở tìm nơi cất, gửi tài sản, đồ đạc. Thế nhưng, từ khi có những căn nhà phao, người dân đã yên tâm và chủ động hơn khi mùa mưa lũ về.
“Cứ đến mùa mưa lũ, nghe dự báo thời tiết sắp có mưa to là chúng tôi vận chuyển các tài sản lên trên nhà phao. Khi lũ đổ về, nước dâng cao là nhà phao sẽ tự nổi. Các thành viên trong gia đình và tài sản đều được đảm bảo an toàn. Trên nhà phao có đầy đủ lương thực và nước uống nên có thể ở cả tháng cũng không vấn đề gì.”, Nguyễn Văn Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, khoảng chừng vào năm 2010 , khi một người dân trong làng làm nhà phao nổi và phát huy hiệu quả, người dân Điền Mỹ sau đó đã học tập và nhân rộng mô hình và đến nay đã có hàng chục gia đình có nhà phao chống lũ. Ngoài nhà phao ở xã Điền Mỹ các gia đình khi xây dựng nhà đều làm thêm phần gác xép. Nếu không có nhà phao thì mỗi mùa mưa lũ người dân sẽ di chuyển người và tài sản lên khu vực gác xép.
“Ở trên gác xép sẽ chật chội và bất tiện hơn rất nhiều so với ở nhà phao, nhưng do điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Nhiều nhà khó khăn quá không làm được nhà phao thì họ làm gác xép.”, ông Nghĩa nói và cho biết để làm một căn nhà phao cần số tiền khoảng 40-60 triệu đồng tùy vào diện tích mỗi căn nhà.
Tương tự, anh Nguyễn Trung Thiện (SN 1981, trú thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ) cho biết, gia đình anh vừa làm căn nhà phao rộng khoảng 30m2. Ngôi nhà có thể tải trọng lên đến 6 tấn, ngoài việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình thì còn có thể chứa đồ đạc, tài sản khi mùa lũ về.
“Trước đây, không có nhà phao, khi mưa lũ về chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người". Khi nước rút người dân trở về nhà thì tài sản đã bị ngâm trong nước lũ, hư hỏng hết, nhất là lúa gạo. Từ khi có nhà phao, nó như là vị cứu tinh của người dân trong mùa mưa lũ, giờ chỉ cần nước lên là chúng tôi đưa gia đình, tài sản lên nhà tránh lũ”, anh Thiện cho biết.
Lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ cho biết, hiện toàn xã có trên 60 hộ dân làm nhà phao và 200 hộ có bè phao tránh lũ.
“Trước mùa lũ về, chính quyền xã đặt ra các tình huống xử lý lũ theo từng cấp độ. Nếu lũ lớn sẽ báo động cấp 1, vạch ra phương án sơ tán dân. Lũ báo động 2 thì hoa màu, gia súc và con người sẽ đưa đến đâu. Nếu lũ đạt đỉnh thì bà con sẽ làm gì, ở đâu sẽ là nhà tránh trú an toàn. Nhờ đó, sau mỗi trận lũ đi qua, thiệt hại về người dần giảm hẳn.”, lãnh đạo xã Điền Mỹ nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ, sáng kiến làm nhà phao nổi đã đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa mưa lũ.
“Nhà phao được làm sát với nhà ở của dân, nên rất tiện và chủ động di chuyển người và tài sản khi mùa mưa lũ về. Chi phí làm nhà phao không quá lớn nên thời gian tới, địa phương sẽ động viên người dân làm nhà phao để sống chung với lũ một cách an toàn.”, lãnh đạo UBND xã Điền Mỹ cho biết thêm.