Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, năm 2013, hơn 600 hộ dân của 2 xã Hương Quang và Hương Điền phải di dời đến khu vực tái định cư nhằm nhường đất thực hiện Dự án Công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Ngoài các hộ dân di cư theo diện tự do thì có hơn 130 hộ dân tại xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) đã chuyển đến khu tái định cư Khe Ná; 216 hộ dân xã Hương Quang (nay là xã Quang Thọ) chọn khu tái định cư Hói Trùng để ổn định cuộc sống.
Ở các khu vực tái định cư mặc dù được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nước sạch. Năm 2017, để người dân sớm ổn định cuộc sống, Ban Chuyên trách dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã cho xây dựng 2 nhà máy nước sạch ở hai khu vực tái định cư nói trên. Trong đó, nhà máy nước sạch tại khu tái định cư Khe Ná với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng, còn ở khu tái định cư Hói Trùng có tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả 2 nhà máy nước chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi xuống cấp, hư hỏng. Các nhà máy này gần 2 năm qua không còn hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thiện (SN 1958, trú tại khu tái định cư Hói Trùng thuộc thôn Kim Thọ, xã Quang Thọ) phản ánh, trước đây, người dân tại khu tái định cư rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy nước sạch. Tuy nhiên, chỉ sau mấy năm, nhà máy bị hư hỏng, xuống cấp, ngừng vận hành và bỏ hoang.
“Gia đình tôi phải khoan giếng trong vườn để lấy nước sử dụng. Nguồn nước giếng cũng bị nhiễm phèn nhẹ, đục, hôi mùi bùn nên phải thực hiện nhiều công đoạn lắng lọc mới sử dụng được”, bà Thiện bức xúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Việt, Bí thư chi bộ thôn Kim Thọ cho biết, toàn thôn có gần 40 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. Sau khi nhà máy nước sạch ngưng hoạt động, để có nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, người dân đã bàn bạc với nhau thành lập từng nhóm 4-6 hộ, đóng góp mỗi hộ 6-10 triệu đồng đầu tư lắp đường ống dẫn nước từ Khe Táy và một số khe suối khác cách từ 1-1,5km về nhà nên rất tốn kém, bất tiện.
“Ban cán sự thôn và người dân đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp trên sửa chữa, nâng cấp lại nhà máy, vừa phục vụ nguồn nước sạch đảm bảo sinh hoạt cho các thôn ở khu tái định cư, vừa không để lãng phí công trình, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả”, Bí thư chi bộ thôn Kim Thọ cho biết.
Tương tự ghi nhận của phóng viên, người dân ở khu vực tại định cư Khe Ná cũng hết sức bức xúc trước thực trạng sống cạnh nhà máy nước sạch nhưng không có nước để dùng, nhất là vào thời điểm mùa hè nắng nóng. Người dân phải khoan giếng sâu hàng chục mét, hoặc dẫn nguồn nước từ trong rừng về để sử dụng.
Theo báo cáo của UBND xã Thọ Điền và UBND xã Quang Thọ, các nhà máy nước đã xuống cấp, hệ thống bồn chứa bị rò rỉ và hệ thống lọc nước chưa đảm bảo. Đặc biệt, từ tháng 3.2023, nguồn nước dẫn về nhà máy có mùi hôi tanh, đục ngầu, không đảm bảo để người dân sử dụng trong sinh hoạt.
Giữa năm 2023, UBND huyện Vũ Quang đã có buổi làm việc để nghe báo cáo về việc vận hành, sử dụng nước sinh hoạt tại nhà máy nước sạch ở 2 khu tái định cư xã Thọ Điền và Quang Thọ. Quá trình làm việc, đại diện các địa phương đề nghị UBND huyện cân đối bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung duy tu, bảo dưỡng các hệ thống liên quan đến nhà máy nước sạch.
Trước đề nghị trên, lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang yêu cầu các xã khẩn trương khảo sát phương án sửa chữa, khắc phục trên cơ sở hoàn thiện bộ máy quản lý, vận hành các nhà máy, xây dựng quy chế quản lý và thu phí sử dụng nước theo quy định.
Sau đó, các xã Thọ Điền và Quang Thọ đã tiến hành lấy ý kiến của người dân về việc thu phí sử dụng nước theo quy định để có kinh phí vận hành và bảo dưỡng. Tuy nhiên, quá trình khảo sát cho thấy, nhiều người dân không đồng thuận với việc nộp phí, nên các địa phương tạm dừng khắc phục tình trạng xuống cấp của các nhà máy nước sạch.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho hay, từ trước đến nay nhà máy đã vận hành không thu phí. Sau đó, huyện và xã hỗ trợ thêm một phần kinh phí để khắc phục các trục trặc nhỏ. Tuy nhiên, với hư hỏng hiện tại, việc sửa chữa, nâng cấp lại nhà máy cần khoảng 2 tỷ đồng. Khoản tiền này ngoài tầm ngân sách của địa phương.
“Qua khảo sát thì chưa đến 50% hộ dân đồng ý về nội dung thu phí sử dụng nước. Việc thu phí này là để hỗ trợ cấp kinh phí cho người đi học về để vận hành, bảo dưỡng thường xuyên. Vì người dân chưa đồng tình nên hiện nay chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND huyện tạm dừng sửa chữa nhà máy nước hư hỏng và đang tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của huyện”, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ nói.