Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Theo ghi nhận của Đoàn giám sát: 3 năm qua, trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, song công tác an sinh xã hội luôn được thành phố quan tâm, chú trọng. Điều này được thể hiện từ việc xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để công tác an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn, nhất là đối với người có công, hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, trong ứng phó với đại dịch Covid-19, thành phố đã có những chính sách vượt trội, nhân văn hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn của đại dịch.
Theo đó, công tác chăm sóc người có công với cách mạng được thành phố đặc biệt quan tâm. Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, vượt trội, mở rộng đối tượng, cùng với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng, tạo điều kiện để người có công với cách mạng vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Thành phố chủ động xây dựng nhiều chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đột phá là chính sách hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo, hỗ trợ về nhà ở, dạy nghề tạo việc làm tăng thu nhập, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thành phố đã triển khai nhiều chính sách bảo trợ xã hội vượt trội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác bảo trợ xã hội đã đổi mới cách tiếp cận, cách làm, mở rộng độ bao phủ, đối tượng, mức trợ cấp tăng dần và huy động được nhiều nguồn lực.
Bảo đảm chính sách phải tới tay người thụ hưởng
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Qua giám sát, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu điều chỉnh một số chính sách đã ban hành, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trình HĐND thành phố xem xét. Đơn cử như: Nghị quyết số 132/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để nâng mức hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng phù hợp với tình hình hiện nay. Quan tâm sớm triển khai hoàn thành xây dựng các khu chung cư xã hội bố trí cho gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025…
Về chính sách giảm nghèo, kiến nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và các chính sách giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao mức sống cho người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững. Quan tâm đầu tư xây dựng, bố trí cho thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước đối với hộ nghèo khó khăn bức xúc về nhà ở, đẩy nhanh Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030. Tháo gỡ khó khăn pháp lý về đất đai để người nghèo khó khăn về nhà ở (nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng quy hoạch dự án...) được hỗ trợ để xây nhà.
UBND thành phố điều chỉnh chương trình dạy nghề theo hướng gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với việc hỗ trợ phương tiện làm ăn, tạo sự chủ động vươn lên thoát nghèo; chính sách khuyến khích và hỗ trợ học nghề cho con em thuộc hộ nghèo phải thực hiện linh hoạt, phù hợp với xu hướng thực tế như nghề truyền nghề, thời gian đào tạo ngắn hạn, kết thúc học có thể làm ngay. Tăng thêm nguồn hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình lồng ghép phát triển kinh tế hộ đi đôi với giải quyết việc làm tăng thu nhập, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Cùng với đó, UBND thành phố điều chỉnh chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo có nhu cầu vay vốn nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo hướng đến việc ưu tiên vay vốn xây dựng mô hình kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững; công tác hướng dẫn xây dựng mô hình sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phải đi vào thực chất và phù hợp với nhu cầu của hộ nghèo, tạo điều kiện khuyến khích hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Đoàn giám sát cũng đề nghị các quận, huyện, phường, xã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách về an sinh xã hội cho người dân biết và giám sát việc thực hiện. Nâng cao nhận thức đối với các đối tượng hộ nghèo có ý thức tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp; tư vấn, khuyến khích cho người lao động hộ nghèo tham gia học nghề; thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chính sách bảo trợ xã hội... Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định đối với công tác xét duyệt, thẩm định hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng trợ cấp xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, bảo đảm chính sách phải tới tay người thụ hưởng, không để lãng phí, tiêu cực xảy ra.