Nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19
Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra những nhận định sâu sắc và toàn diện về những kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra rõ những tồn tại, vướng mắc…
Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn khi việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 còn vướng mắc, chưa giải quyết được dứt điểm. Chỉ rõ, tại trang 3, Khoản b, mục I về quản lý, sử dụng nguồn lực huy động được có nêu: "Việc thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm", ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, như vậy nội dung chỉ có đánh giá về nguồn ngân sách nhà nước, chưa có đánh giá về việc thanh quyết toán kinh phí huy động từ nguồn lực ngoài ngân sách.
Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, Báo cáo giám sát cần yêu cầu Chính phủ bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Đồng thời, Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội phải nêu rõ hơn nữa thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm hết sức cụ thể. Đặc biệt là kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, đặc biệt là việc thanh quyết toán, xác lập giá trị tài sản, sở hữu toàn dân để nhanh chóng quản lý, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được.
Giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu rõ, để giải quyết vướng mắc trên, Quốc hội đã có Nghị định số 80 quy định kéo dài thời gian thực hiện việc thanh toán chi phí phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024. Nghị quyết đã quy định giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả và đúng thời hạn Nghị quyết. Đồng thời, giao Chính phủ rà soát, quyết định xử lý vướng mắc trong thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 nhưng đến nay chưa có văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện.
Cho rằng, văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện quy định, quy trình, thủ tục thanh toán, quyết toán khác với quy định của pháp luật hiện hành, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết giám sát của Quốc hội quy định cho phép Chính phủ xây dựng văn bản chi tiết thực hiện Nghị định số 80 của Quốc hội về thanh toán chi phí phòng, chống dịch theo chương trình, thủ tục rút gọn, có phân cấp cho địa phương quyết định một số nội dung thông qua HĐND, Thường trực HĐND, UBND.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, văn bản hướng dẫn chi tiết này của Chính phủ có tính đặc thù, khác với quy định hiện hành nên cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện để giải quyết dứt điểm việc thanh toán chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ các chi phí phòng, chống dịch theo quy định tại Nghị quyết 80 của Quốc hội.