Tham dự Hội nghị có: Chủ tịch IPU Tulia Ackson, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU Dan Carden; Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cùng 147 đại biểu đến từ 55 quốc gia thành viên IPU.
Với chủ đề “Tránh những thế hệ lạc lõng: Duy trì giáo dục và việc làm trong mọi hoàn cảnh”, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10 đã tập trung thảo luận biện pháp thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua hợp tác nghị viện, trong đó có Mục tiêu số 4: “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Chủ tịch IPU Tulia Ackson đánh giá cao những đóng góp và sự phối hợp của nước chủ nhà Armenia đối với một số hoạt động của IPU, trong đó có hoạt động của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10.
Chủ tịch IPU nhấn mạnh, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu đã trở thành một nền tảng độc đáo để các nghị sĩ trẻ đưa ra thông điệp cụ thể và rõ ràng rằng “không có dân chủ nếu không có hòa nhập và không có hòa nhập nào nếu không có sự tham gia của các nam nữ thanh niên”.
Cho rằng, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức như: các cuộc xung đột, thiên tai và biến động kinh tế, trong đó thanh niên phải chịu ảnh hưởng và hệ quả nặng nề từ các cuộc khủng hoảng trên, Chủ tịch IPU khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và việc làm không chỉ là những đặc quyền mà đó là những quyền cơ bản và là nền tảng của một xã hội ổn định, thịnh vượng.
Tuy vậy, hiện nay giáo dục và việc làm đang sụp đổ trước các cuộc khủng hoảng, hàng triệu người đang bị tước bỏ quyền học tập và làm việc. Điều này làm tăng nguy cơ bất ổn cho thế hệ tương lai và sự ổn định của xã hội.
Theo Chủ tịch IPU, thế giới chỉ có thể giải quyết các thách thức toàn cầu như hiện nay thông qua hợp tác và đối thoại.
Nhấn mạnh, IPU cam kết thông qua cơ chế đa phương sẽ thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững cho mọi người dân, Chủ tịch IPU kêu gọi các nghị viện cần thúc đẩy việc bảo đảm không thế hệ nào bị lạc lõng và bỏ lại phía sau; trao quyền cho thanh niên nhằm đổi mới và đi đầu trong thời kỳ khủng hoảng; bảo đảm và cung cấp khả năng tiếp cận giáo dục cho tất cả mọi người, bao gồm cả giáo dục bắt buộc và miễn phí dành cho những người đang trong hoàn cảnh chịu tác động của sự khủng hoảng; hoàn thiện các khung khổ pháp lý và chính sách dành cho thanh niên.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra 4 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Đếm ngược đến năm 2030: những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục và việc làm của giới trẻ; Cuộc sống của giới trẻ bị đảo lộn: tác động của khủng hoảng đối với các quyền kinh tế - xã hội và việc trao quyền cho giới trẻ; Không ai bị bỏ lại phía sau: triển vọng giáo dục và việc làm cho những đối tượng dễ bị tổn thương; Các nghị sĩ trẻ có thể làm gì để bảo đảm việc làm cho giới trẻ trong giai đoạn khủng hoảng.
Các đại biểu đã trao đổi, nhận diện những thách thức hiện nay đối với giáo dục, việc làm; chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp ứng phó với những thách thức trong bối cảnh hiện nay ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu.
Kết quả của Hội nghị tiếp nối và góp phần triển khai Tuyên bố Hội nghị “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” được thông qua tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9.2023.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động trong chương trình Hội nghị, được Ban Tổ chức của IPU, nước chủ nhà và các đại biểu tham dự ghi nhận, đánh giá cao.
Trưởng Đoàn Việt Nam chúc mừng và cảm ơn nước chủ nhà Armenia đã đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 10; đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề trong bối cảnh nhiều biến động của thế giới hiện nay.
Phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận về chủ đề “Đếm ngược đến năm 2030: những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục và việc làm của giới trẻ”, Đoàn Việt Nam khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam luôn là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân, trong đó có vấn đề giáo dục và việc làm cho thanh niên.
Đoàn Việt Nam đề nghị Nghị viện các nước và IPU cùng phối hợp trong các lĩnh vực:
Về giáo dục, thu hẹp khoảng cách về bất bình đẳng, bảo đảm chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng; hướng tới khả năng cộng tác, kết nối và kiến tạo của giáo viên để giúp học sinh hiện thực hoá tiềm năng của mình; bảo đảm những giá trị cốt lõi của giáo dục, trợ giúp học sinh định hướng bản thân.
Về việc làm, cần suy nghĩ lại cách tiếp cận về việc làm cho thanh niên, nhất là trong bối cảnh chịu sự tác động của khủng hoảng; đổi mới các chương trình học nghề, đào tạo nghề và thực tập theo hướng mang lại kinh nghiệm thực tế có giá trị và giúp thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục và việc làm.
Tại Phiên thảo luận về chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: mang đến các cơ hội về đào tạo và việc làm cho những người dễ bị tổn thương và những người thiệt thòi nhất ”, Đoàn Việt Nam khẳng định, trong tiến trình hội nhập quốc tế, vai trò của thế hệ thanh niên ngày càng được khẳng định hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn, là động lực quan trọng cho sự phát triển năng động của thế hệ trẻ trên thế giới.
Chia sẻ về những thành tựu trong giáo dục và việc làm cho thanh niên tại Việt Nam, Đoàn Việt Nam đề xuất, Nghị viện các quốc gia thành viên IPU tích cực triển khai các cam kết quốc tế đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu số 4; ủng hộ việc xây dựng các cơ chế và phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu hiệu quả để giám sát việc thực hiện SDGs, nhất là đối với việc xây dựng và thực thi các chính sách dành cho thanh niên nói chung và thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng; ban hành các văn bản pháp luật và chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thanh niên nông thôn và thanh niên đô thị.
Cùng với đó, Nghị viện thúc đẩy Chính phủ các quốc gia thành viên, đầu tư vào hệ thống giáo dục hòa nhập đáp ứng nhu cầu đa dạng của tất cả người học, bảo đảm các trường học an toàn và dễ tiếp cận đối với tất cả học sinh bất kể hoàn cảnh xuất thân của người học.
Tạo cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu cụ thể của những người trẻ dễ bị tổn thương: cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm; thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hỗ trợ những người trẻ khởi nghiệp kinh doanh.
Xây dựng khung khổ pháp lý phù hợp và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đem lại một môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững cho thanh niên; phân bổ nguồn lực thực hiện đối với các chính sách dành cho thanh niên khuyết tật và thanh niên dân tộc thiểu số.