Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện UBND TP. Thủ Dầu Một cho biết, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đã được bảo đảm thực hiện, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra. Vai trò, trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức được nâng cao, tạo được sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong việc thực hiện các mặt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành đoàn thể. Nội dung, hình thức tuyên truyền được chú trọng đổi mới, nhất là tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể Nhân dân biết, tự giác thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn trường hợp cơ sở chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định do công trình xây dựng từ lâu đến nay không còn phù hợp với quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chưa có quy định cụ thể về cưỡng chế nên việc chấp hành của cơ sở đôi lúc chưa bảo đảm đối với các trường hợp đã có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền.
Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND TP. Thủ Dầu Một đề nghị điều chỉnh khoản 5, Điều 18 theo hướng: Nhà nước khuyến khích hộ gia đình lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị có chức năng báo cháy với hệ thống truyền tin báo cháy khi có yêu cầu. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để phát hiện cháy, tổ chức thoát nạn, chữa cháy kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.
Các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị, địa phương cần chủ động nghiên cứu dự thảo Luật, nhất là những quy định mới; làm rõ thêm về việc xây dựng và tổ chức phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với những nhà liền kề không thể mở lối thoát nạn; công tác tuyên truyền, vận động người dân; việc huy động lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy, cũng như việc trang bị các phương tiện, thiết bị và tập huấn cho lực lượng này…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một. Đồng thời, nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đã góp phần đưa công tác này trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm Luật có chất lượng cao nhất và sau khi được ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn.