Báo cáo với Đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu Vũ Hồng Thuấn cho biết, TP. Vũng Tàu là một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ, tập trung nhiều cơ sở trọng điểm, cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đây là điều kiện để kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững, nhưng cũng có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong 8 tháng năm 2024, trên địa bàn TP. Vũng Tàu xảy ra xảy ra 90 vụ cháy. Trong đó, 34 vụ cháy có thiệt hại (16 vụ thiệt hại không đáng kể, 18 vụ thiệt hại về tài sản); 56 vụ cháy không có thiệt hại (chủ yếu là cháy cỏ, rác).
Hàng năm, UBND TP. Vũng Tàu đã lập kế hoạch ngân sách bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy từ nguồn ngân sách quốc phòng an ninh. Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; kịp thời phát hiện, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh khắc phục các tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ từng bước được đẩy mạnh. Thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ...
Tuy nhiên, đại diện UBND TP. Vũng Tàu cũng cho hay, việc tồn tại một số lượng lớn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nằm trong các con hẻm nhỏ, hẻm sâu khiến xe chữa cháy không tiếp cận được, gây khó khăn cho công tác chữa cháy; nếu không được ngăn chặn ngay từ giai đoạn ban đầu rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm, còn chủ quan trong việc phòng cháy, chữa cháy nên số vụ cháy do sơ suất, bất cẩn vẫn còn chiếm tỷ lệ cao ở khu dân cư.
Bên cạnh đó, địa bàn thành phố rộng, dân cư đông đúc, tập trung nhiều cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, khi xảy ra cháy có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng lực lượng làm công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy tại cấp xã chưa có chuyên môn, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn theo quy định của pháp luật.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cùng với thực tiễn tại địa phương, UBND TP. Vũng Tàu cho rằng, những quy định mới trong dự thảo Luật là cần thiết, đã quy định rõ được trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Phòng cháy, chữa cháy cần phải có chuyên môn, sức khoẻ, do đó quy định về việc huy động lực lượng phòng cháy, chữa cháy cần căn cứ vào mức độ, tính chất, diễn biến cụ thể, cũng như chế độ, chính sách. Điều này cũng góp phần bảo đảm tính khả thi, không chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đã góp phần đưa công tác này trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, những khó khăn, vướng mắc, cũng như những nội dung được địa phương đồng thuận và có kiến nghị bổ sung là cơ sở để Ủy ban tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
+ Trước đó, Đoàn đã khảo sát thực tế tại Công ty Cổ phần Hóa dầu Vạn An - Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu.