Cùng dự có các Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh; đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm qua, UBND tỉnh đã làm tốt công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình cháy, nổ có xu hướng giảm về số vụ cháy, không để xảy ra vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tỉnh đã xây dựng được 849 mô hình bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, gồm: 616 mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; 224 mô hình điểm chữa cháy công cộng; 9 mô hình cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy. Việc xây dựng và hướng dẫn thực hiện các mô hình tự quản, mô hình liên gia, liên cơ quan, liên khu vực trong bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đã giúp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các cá nhân trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, quá trình hội nhập, mở cửa, liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế đã làm cho các công trình thuộc diện phải quản lý về phòng cháy, chữa cháy phát triển đa dạng hơn với tính chất, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy ngày càng phức tạp, đòi hỏi độ an toàn cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hoạt động từ cách đây 20 - 30 năm, công nghệ lạc hậu, hệ thống phòng cháy, chữa cháy xuống cấp; nhiều cơ sở là khách sạn, nhà nghỉ, karaoke cải tạo từ nhà ở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa đủ tính răn đe; nhiều chủ đầu tư cố tình kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm. Đối với những cơ sở đã tạm đình chỉ, đình chỉ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế do chưa có quy định cụ thể của pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành.
Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có cơ chế xã hội hóa một phần và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi quản lý.
Quy định chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm cơ sở pháp lý huy động nguồn lực tổ chức thực hiện bảo đảm các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thể làm việc, tương tác trên môi trường số. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động bảo đảm cụ thể, thống nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác này...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng đánh giá cao việc triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là khi tỉnh có nhiều ngành kinh tế trọng điểm, đặc thù, như khai thác dầu khí, sản xuất điện, đạm, các khu công nghiệp, cảng và dịch vụ cảng biển.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là dự luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, các ý kiến, đề xuất của địa phương nhằm phù hợp với thực tiễn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã giúp Ủy ban Quốc phòng và An ninh có thêm nhiều thông tin có giá trị, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.