Việc thực hiện Đề án nhằm nhận diện đầy đủ đóng góp của di sản, bao gồm giá trị kinh tế ở thời điểm hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai gắn với tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ. Kết quả của nghiên cứu cung cấp thông tin cho quá trình ban hành các quyết định trong quản lý khu vực Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và kế hoạch phát triển tỉnh Ninh Bình. Đề án sẽ đề xuất chính sách và hành động cần thiết, tạo điều kiện để di sản đóng góp tối đa vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển bền vững quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu nhấn mạnh: Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014. Từ những giá trị nổi bật, để phát huy giá trị di sản, cần kết nối các cộng đồng xã hội và xây dựng niềm tin chung, bằng việc thúc đẩy du lịch di sản, truyền tải và củng cố bản sắc dân tộc… Nhìn rộng hơn là xây dựng chiến lược phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ bao gồm thành phố di sản và thành phố sáng tạo.
Đánh giá tổng thể bức tranh của di sản Tràng An hiện nay, Đề án xây dựng thông qua 4 nhánh nghiên cứu: di sản tự nhiên; di sản văn hóa; di sản định cư; kinh tế du lịch và các giá trị phức hợp nổi bật của nhân loại và Đông Nam Á.
Theo đó, Đề án lượng hóa giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm - công trình đại diện tại di sản, đang đưa vào bảo tồn và khai thác hoạt động du lịch. Đồng thời, lượng hóa tổng thể giá trị thương hiệu - kinh tế của di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An gắn với bối cảnh của chính sách, chiến lược, quy hoạch và đồng bộ kết nối cộng đồng dân cư bản địa, quản lý di sản và nghiên cứu mang tính đặc thù...
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh thông tin, việc nhận diện, đánh giá chính xác giá trị kinh tế - thương hiệu di sản thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng mà còn giúp đưa ra định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Đặc biệt, cần thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hoa Lư - trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai.
Việc lượng hóa giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số cũng như không đơn thuần là công cụ đánh giá giá trị kinh tế, quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Thông qua Đề án này làm sâu sắc các giá trị phức hợp của tổng thể di sản gồm: Hệ sinh thái tự nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa, di sản định cư và giá trị lan tỏa thương hiệu.
Kết quả nghiên cứu Đề án sẽ là cơ sở để xây dựng các chính sách, chiến lược nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Quần thể danh thắng Tràng An một cách hiệu quả, bền vững và hài hòa mà vẫn bảo tồn được giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên độc đáo của di sản này.
Kết quả Đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học, từ đó tạo cơ sở để UNESCO kết nối các tổ chức quốc tế có uy tín, cùng công bố giá trị tổng thể của di sản theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.