Không "du lịch hóa" tác phẩm điện ảnh
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người hiền hòa, thân thiện, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thông qua điện ảnh. Đông Dương (Indochine, 1992), với một số cảnh quay ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Điện Thái Hòa, Lăng Tự Đức (Thừa Thiên Huế), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), trở thành là bộ phim quay tại Việt Nam thành công nhất khi giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, sau khi bộ phim được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã được nhiều du khách quốc tế biết đến, đặc biệt là khách du lịch Pháp. Hiện nay khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) Ngô Phương Lan cũng nhắc lại hai bộ phim được ví như hai hình mẫu để kết hợp điện ảnh với du lịch là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Victor Vũ đạo diễn năm 2015 và Kong: Skull island của Hollywood làm tại Việt Nam năm 2016. “Hai bộ phim để lại ấn tượng tốt. Với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đến thời điểm này chưa có kỷ lục nào vượt qua nó trong các phim Nhà nước đặt hàng. Chúng ta nói nhiều về việc du lịch kết hợp với điện ảnh, nhưng theo tôi, khi làm một bộ phim không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa, từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến”.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý đồng quan điểm không nên "du lịch hóa" tác phẩm điện ảnh. Trong quá trình phối hợp, các đối tác địa phương chủ yếu quảng bá du lịch sau khi bộ phim được trình chiếu. Quảng Bình đã được các hãng phim trong nước và nước ngoài đến khảo sát bối cảnh và triển khai một số bộ phim, video ca nhạc như: Good Morning America, Kong: Skull Island, Alone Pt II của DJ, Alan Walker, một phần của tập 6 Planet Earth III - Extremes, Người bất tử…
“Qua triển khai các dự án phim trên tại Quảng Bình, chúng tôi thấy nhu cầu xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch rất lớn và việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là các bộ phim “bom tấn” của Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới”, ông Quý nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp, thêm chính sách ưu đãi
Tuy nhiên, để biến các điểm đến tại Việt Nam thành các sản phẩm cụ thể, theo ông Quý cần phải có kế hoạch dài hạn với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng xúc tiến, làm đầu mối; xác định, triển khai phương thức tiếp cận đúng, trực tiếp đến những người có khả năng quyết định việc triển khai các dự án phim. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp về công tác hậu cần cho các hãng phim, tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim khi đến khảo sát, triển khai dự án phim.
Cụ thể, các địa phương cung cấp thông tin và tư vấn về cảnh quay, địa điểm, hỗ trợ sản xuất, quy định và thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề kỹ thuật; cách thức đoàn làm phim làm việc với người dân địa phương và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ như quay phim, làm kịch bản, thiết kế sản xuất, đóng vai quần chúng, Nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an ninh trật tự, bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện các bộ phim; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác khu, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim.
Từ thực tế Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh đề xuất có giải pháp tổng thể về phát triển, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim; đồng thời có chính sách giới thiệu, thu hút các đoàn làm phim một cách bài bản; từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim. Thậm chí, chính quyền chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng góp ý sớm có bộ dữ liệu từ tầm quốc gia, địa phương, doanh nghiệp, thu hút thế nào, chính sách ra sao cho các đoàn làm phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì để có đầu mối, kết nối các đơn vị liên quan.
"Có thể nói chúng ta sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều khi quảng bá điểm đến qua các sản phẩm điện ảnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên chủ trì đề án phối hợp trong đó phân tích nội dung quan trọng, đặc biệt là phân công rõ nhiệm vụ các bên như địa phương, doanh nghiệp… Lâu nay, chúng ta có lẽ chưa thực sự chủ động trong việc mời, gọi, hỗ trợ hay giới thiệu với các đoàn làm phim. Trong sự chủ động đó cần có sự phối hợp giữa các bên, có cơ chế huy động nguồn lực, kêu gọi phối hợp, qua đó quảng bá tốt hơn cho các bên liên quan", ông Dũng cho hay.