QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với02 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.
Điều 3. Cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ
1. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này. Đối với 06 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục II, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
2. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án tại Phụ lục III kèm theo Nghị quyết này. Đối với 05 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Điều 4. Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
1. Nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án tại Phụ lục IV kèm theo Nghị quyết này. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
2. Nhà thầu thi công quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm sau đây:
a) Cam kết bảo vệ môi trường gồm các nội dung sau: liệt kê các hạng mục công trình và hoạt động có khả năng tác động xấu đến môi trường; nhận dạng đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi khai thác; nhận dạng, đánh giá, dự báo tác động môi trường chính, chất thải phát sinh; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; công trình, biện pháp giảm thiểu tác động môi trường tương ứng kèm theo quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho từng nguồn thải; nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố; giải pháp, danh mục, khối lượng, kế hoạch thực hiện, dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường;
b) Bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo quy định của pháp luật;
c) Chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật;
d) Nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu thi công quy định tại khoản 1 Điều này tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá.
Điều 5. Dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022
1. Việc sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đối với 06 dự án tại Phụ lục V và 06 dự án tại Phụ lục VI kèm theo Nghị quyết này được quy định như sau:
a) Căn cứ nguồn vốn và số vốn dự kiến cho dự án từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án tại Phụ lục V; nguồn vốn và số vốn còn thiếu so với dự kiến tổng mức đầu tư của dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác;
b) Các dự án tại Phụ lục VI được cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tương ứng với số vốn ngân sách trung ương bố trí tăng thêm cho dự án từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022;
c) Các dự án tại Phụ lục V và Phụ lục VI trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất xem xét, quyết định đưa vào sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Các dự án tại Phụ lục V và Phụ lục VI chưa đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục đầu tư thì cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện dự án.
2. Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này, phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm trong tổng mức đầu tư của Dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 6. Quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư
1. Việc quản lý công trình sau đầu tư đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết này thực hiện như sau:
a) Công trình thuộc trung ương quản lý, sau khi hoàn thành xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn giao công trình cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật;
b) Công trình chuyển giao về địa phương quản lý thì địa phương quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý công trình sau đầu tư đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này thực hiện như sau:
a) Công trình sau khi hoàn thành xây dựng giao địa phương quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật;
b) Công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì sau đầu tư thực hiện theo quy định tại hợp đồng dự án;
c) Trường hợp các tuyến đường quy định tại điểm a khoản này được nâng lên thành quốc lộ, Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định của pháp luật.
3. Việc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, bàn giao tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết này, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.
Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục dự án tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này, bảo đảm đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ đề xuất. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hiệu quả của chính sách; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
2. Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong việc quyết định, chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của dự án.
3. Bộ Giao thông vận tải, địa phương tiếp nhận công trình sau khi cơ quan chủ quản hoàn thành việc xây dựng, quyết toán dự án để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện như sau:
a) Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án; kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm về đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản;
b) Chịu trách nhiệm bảo đảm năng lực, kinh nghiệm của cơ quan, tổ chức được giao triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
6. Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025.
7. Chính phủ chịu trách nhiệm về nguồn vốn và số vốn còn thiếu trong tổng mức đầu tư của dự án quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này; tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất sau khi các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 11 năm 2023 và được thực hiện đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025.
2. Các dự án được áp dụng chính sách thí điểm quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết này đến khi hoàn thành dự án.
_________
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2023.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(đã ký)
Vương Đình Huệ