ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn): Luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết nghị
Kỳ họp thứ Hai được tổ chức thành 2 đợt họp: trực tuyến và tập trung là quyết định rất đúng đắn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời thể hiện sự quyết tâm và thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đợt họp trực tuyến được chuẩn bị với đường truyền, kết nối rất tốt. Tùy vào nội dung được thảo luận ở các điểm cầu địa phương còn có sự tham dự của đại diện các sở, ngành liên quan, đây là điểm rất mới. Đặc biệt, Quốc hội còn tiến hành họp tổ trực tuyến, với nhiều ý kiến đóng góp rất sôi nổi, được tổ giúp việc ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Các cơ quan thông tấn, báo chí góp phần rất lớn trong việc đưa ý kiến, phát biểu của đại biểu Quốc hội từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng và 62 điểm cầu trực tuyến đến với cử tri và nhân dân trên cả nước.
Nhằm tiết kiệm thời gian, Quốc hội còn tiến hành họp cả thứ 7 và chủ nhật, cho thấy sự nỗ lực của các đại biểu, rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Tôi đánh giá cao chất lượng 7 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Trước đó, từng dự án luật đều được mổ xẻ, được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức nhiều buổi tham vấn chuyên gia. Điều này thể hiện tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa và luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết nghị của Quốc hội.
Cử tri và Nhân dân cũng đánh giá rất cao khi Quốc hội xem xét Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội trong 2 năm 2019 - 2020. Đây là những vấn đề thiết thân đối với người dân, người lao động. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chưa vững chắc, dưới mức tiềm năng, thời gian tham gia bảo hiểm dài là nguyên nhân khiến chế độ hưởng chưa thực sự hấp dẫn. Với vai trò là trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia, các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, về lâu dài phải hướng tới hình thành văn hóa an sinh cho người lao động.
Đối với phần chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề rất trọng tâm, phản ánh đúng thực tiễn cuộc sống đang diễn ra, những vướng mắc chưa có giải pháp thỏa đáng, qua đó thay mặt cử tri để truyền tải đến với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn và trả lời chất vẫn diễn ra dân chủ, công bằng, các đại biểu hỏi 1 phút, bộ trưởng trả lời 3 phút, như vậy rất tiết kiệm thời gian, tránh tình trạng trả lời chất vấn vòng vo, diễn giải nhiều về thực trạng mà đi sâu vào giải pháp. Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở, không tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu Quốc hội, mà chỉ tranh luận giữa đại biểu Quốc hội với các bộ trưởng, trưởng ngành; các đại biểu chấp hành đúng yêu cầu này, qua đó có thêm thời gian để truy đến cùng vấn đề đặt ra. Các bộ trưởng phần nào trả lời đáp ứng được mong muốn của các đại biểu, súc tích, ngắn gọn, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc và cầu thị.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa):Thành công nhờ xây dựng chương trình khoa học, chuẩn bị chu đáo
Kỳ họp thứ Hai đã thành công, trước hết là vì chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học và công tác chuẩn bị chu đáo. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ họp được tổ chức thành hai đợt, theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Trong đó, đợt 1 bố trí các phiên thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết… Đợt 2 tập trung cho thảo luận kinh tế - xã hội và hoạt động chất vấn. Mặc dù thời gian họp không dài nhưng các nội dung đề ra trong chương trình đều rất thành công. Mọi công tác về hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm phòng, chống dịch và các công tác bảo đảm khác cho kỳ họp đã được lên phương án kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ và chu đáo, góp phần vào thành công chung của kỳ họp vừa qua.
Về nội dung chương trình, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn... Nhằm giải quyết các vấn đề lớn của nền kinh tế gặp phải do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022…
Đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa qua rất chất lượng, nội dung hỏi và trả lời đều đi thẳng vào vấn đề. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn để chất vấn cũng rất xác đáng, phù hợp với mối quan tâm chung của đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội trong tình hình hiện nay, đó là 4 nhóm vấn đề: Y tế; giáo dục và đào tạo; lao động, thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi; các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn. 4 bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng đều nắm vững lĩnh vực phụ trách, trả lời trách nhiệm trước những vấn đề được đại biểu nêu ra.
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh): Khẳng định mạnh mẽ một Quốc hội không ngừng đổi mới
Tại Kỳ họp thứ Hai, các đại biểu Quốc hội đã xem xét, thảo luận rất nhiều nội dung quan trọng. Mặc dù diễn ra trong vỏn vẹn 16 ngày rưỡi, trên tinh thần “tiết kiệm tối đa thời gian nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả cao nhất”, kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Để đạt được thành công này trước hết là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, trong đó có Chủ tịch Quốc hội; sự chuẩn bị nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, từ rất sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có liên quan đối với các dự án Luật, nghị quyết, các báo cáo, tài liệu phục vụ các nội dung của kỳ họp. Những vấn đề mà cử tri quan tâm đều được phản ánh trong báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Đây là tiền đề để các nghị quyết do Quốc hội ban hành cũng như các quyết sách quan trọng khác được Quốc hội đưa ra đạt được sự đồng thuận cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân.
Tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội và hoạt động chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực tiễn cuộc sống; thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới - vừa ứng phó với đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các đại biểu nhất trí cho rằng, liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch; cần xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những vấn đề về cử tri quan tâm như nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, nâng cao năng lực y tế dự phòng, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân; giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo trong điều kiện Covid-19… cũng đã được các đại biểu đặt ra.
Kỳ họp thứ Hai có nhiều đổi mới như việc chia tổ thảo luận trực tuyến tại các điểm cầu ở cả Nhà Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thí điểm biểu quyết qua ứng dụng trên iPad. Hoạt động chất vấn cũng có những đổi mới, như Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường đã tổng kết, đó là: Quốc hội ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, có định lượng cụ thể, có tiến độ, thời gian và "đầu việc" cụ thể giao các cơ quan có chức năng phải chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, nhất là sau chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động chất vấn lần này được tiến hành bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thành công của Kỳ họp thứ Hai một lần nữa giúp khẳng định về một Quốc hội không ngừng đổi mới, linh hoạt thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, bắt nhịp hơi thở của cuộc sống, thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri và Nhân dân tin tưởng giao phó.