Chiều 6.7, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và đánh giá giữa nhiệm kỳ, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng
Báo cáo do ông Đậu Minh Thanh, Chánh Văn phòng Bộ, trình bày tại hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm, Bộ đã thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Cụ thể, ngành Xây dựng tăng trưởng 4,74%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%. Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,6 m2 sàn/người. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 95,1%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 16,3%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 16,3%.
Trong nửa đầu năm, tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,82%. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại. Doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động… Cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Giá giao dịch bất động sản tiếp tục có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022, trong đó thời điểm giá giảm nhiều là quý I.2023. Giá chung cư tại các địa phương giảm từ 2 - 6% so với kỳ trước, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6 - 10% so với kỳ trước, đất nền tại các dự án giảm khoảng từ 8 - 11%.
Giao dịch bất động sản tiếp tục trạng thái trầm lắng. 6 tháng có khoảng 187.000 giao dịch thành công, bằng 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Trong đó, lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. Giao dịch nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ cũng giảm, chỉ bằng 40,69% so với 6 tháng cuối năm 2022;
Cũng theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2.2023 là 859.394 tỷ đồng. Trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ.
Đã trình Chính phủ giải pháp tháo gỡ phòng cháy, chữa cháy
Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng tiếp tục ưu tiên công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đó, Bộ đã trình và được Chính phủ, Thủ tướng ban hành 6 nghị định, chỉ thị, quyết định; ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư. Hoàn thiện, trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trình và được Chính phủ thống nhất đưa vào đề nghị của Chính phủ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Bộ cũng đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Điều chỉnh về quản lý, phát triển đô thị, dự án Luật Điều chỉnh về cấp, thoát nước để trình Chính phủ thông qua chính sách.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ đã trình Chính phủ Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho các công trình, cơ sở hiện hữu không có khả năng khắc phục đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động.
Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng đều giảm
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá trị sản xuất và tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu đều giảm so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, xi măng sản xuất dự kiến đạt 46 triệu tấn, giảm 5%, tiêu thụ đạt 45 triệu tấn, giảm 7%. Gạch ốp lát: sản xuất đạt khoảng 191 triệu m2, giảm 10%, tiêu thụ khoảng 145 triệu m2 giảm 17%. Sứ vệ sinh sản xuất đạt gần 5,85 triệu sản phẩm, giảm 3%, tiêu thụ khoảng 5,2 triệu sản phẩm.
Riêng kính xây dựng sản xuất đạt khoảng 103 triệu m2, tăng khoảng 2%, tiêu thụ khoảng 79 triệu m2. Vật liệu xây sản xuất đạt khoảng 9,5 tỷ viên QTC, trong đó gạch đất sét nung là 8,1 tỷ viên, gạch không nung chiếm 16%.