Công nghiệp phụ trợ ô tô gặp khó
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới do GDP bình quân đầu người đã vượt mức 4.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đã đạt khoảng 50 xe (mặc dù vẫn thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (280 xe/1.000 dân), Malaysia (542 xe/1.000 dân)...). Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao cũng như sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) Phan Đăng Tuất sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Điều này khiến nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn. Theo thống kê, tháng 1.2023 sản lượng tiêu thụ xe du lịch ở nước ta giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, tác động nặng nề đến ngành lắp ráp ô tô, đặc biệt là thị trường công nghiệp phụ trợ. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại nước ta chưa đủ phát triển để đáp ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Kết quả, các doanh nghiệp Việt hiện chưa thể chế tạo một mã kim loại và mắt ghép trên ô tô, khiến việc tự chủ sản xuất khó khả thi.
Bộ Công thương đánh giá, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô của Việt Nam có số lượng nhỏ, vốn là các công ty cơ khí, sản xuất chất dẻo, nhựa, trình độ công nghệ còn kém, không có kinh nghiệm trong ngành ô tô. Do là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên các doanh nghiệp CNHT ô tô Việt Nam khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trình độ quản lý sản xuất và kinh doanh yếu, không đáp ứng được các yêu cầu của các nhà sản xuất ô tô. Bên cạnh đó, các vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT ngành ô tô như thép chế tạo, nhựa và chất dẻo... chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu. Sự phụ thuộc này đã làm giảm tính chủ động trong sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Thêm trợ lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô
Những năm qua, Bộ Công thương đã tích cực tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và ô tô. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất xe hơi uy tín tại Việt Nam đã hợp tác với Bộ Công thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các nhà sản xuất ô tô.
Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp phụ trợ ô tô VAST GROUP, nhà sáng lập diễn đàn Oto-Hui Nguyễn Thanh Đàm cho biết: "Hiện tại, với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, có rất nhiều cách để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng và mang lại lợi nhuận. Ví dụ, họ có thể sản xuất những thiết bị điện tử trên xe hay xây dựng phần mềm giúp ích cho việc vận hành xe".
Hiện nay, nhiều hãng xe đã và đang triển khai mở rộng sản xuất, gia tăng mẫu mã sản xuất lắp ráp trong nước. Điều này tạo ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp nằm trong ngành phụ trợ, dịch vụ, hậu mãi.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương Phạm Tuấn Anh cho biết, từ nay đến cuối năm Bộ Công thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước.
Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô (như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước)...
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD. Theo đánh giá, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.
Trong năm 2023, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ có cơ hội mở rộng thị trường thông qua Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này sẽ giúp tạo ra những kết nối giữa thương hiệu ô tô trên thế giới với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam và các doanh nghiệp phụ trợ.
Automechanika 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23 - 25.6.2023 tại Trung tâm Hội chợ và triễn lãm Sài Gòn (SECC). Đây là triển lãm chuyên ngành duy nhất về công nghiệp ô tô và các dịch vụ về hậu mãi ô tô, và là một phần của thương hiệu "Automechanika" toàn cầu. Bên cạnh đó, triển lãm cũng thu hút nhiều diễn giả trong và ngoài nước tại các hội nghị/hội thảo như Trao đổi và kết nối Automechanika, Nhà máy thông minh và Cách mạng Công nghiệp 4.0, điện khí háo và số hóa.