Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Kon Tum nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, là một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ nhau, trong đó 7 dân tộc tại chỗ gồm: Ba Na, Xơ Đăng, Gia rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê... Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 53% dân số toàn tỉnh, trong đó tham gia sinh hoạt các tôn giáo chiếm hơn 40%.
Hiện nay, tại Kon Tum có 5 tôn giáo là Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành và Phật giáo Hòa Hảo, với hơn 210.000 tín đồ, trong đó hơn 160.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung những năm qua chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn đã luôn phát huy, thực hiện tốt phương châm "tốt đời, đẹp đạo", có các hoạt động vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại.
Được xem là tôn giáo đến Kon Tum từ sớm, vào những năm 30 của thế kỷ XX, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum cho biết, trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, đến nay Phật giáo đã lớn mạnh với trên 30.000 tín đồ, trong đó có gần 4.000 tín đồ người dân tộc thiểu số, có 33 cơ sở thờ tự, trong đó có 27 chùa và 6 tịnh xá; có 90 chức sắc, nhà tu hành Phật giáo.
Khi đến với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, Phật giáo đã có những ảnh hưởng, đóng góp tích cực để thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của bà con, cụ thể như: Đạo Phật truyền vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần bài trừ một số hủ tục, mê tín. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo Phật, bà con tín đồ biết lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp như ăn mặc theo phong tục tập quán; sử dụng cồng, chiêng, múa xoang trong các nghi lễ tôn giáo; sử dụng kinh sách bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Những giáo lý, giáo luật của tôn giáo đã có tác động tới nhận thức, hành vi của người đồng bào dân tộc thiểu số như biết sống tốt, sống có ích, vì mọi người, làm việc thiện, tin vào luật nhân quả, công bằng. Những ngôi chùa không chỉ là nơi để bà con dân tộc thiểu số đến chiêm bái, lễ Phật, mà còn là cầu nối vững chắc giữa các dân tộc, góp phần tạo sự gắn kết lâu dài.
Từ chỗ khép kín trong nội bộ từng làng, đến nay mối quan hệ giữa các làng được mở rộng ra bên ngoài. Khi đến các chùa, tịnh xá, ngoài thực hiện các lễ nghi tôn giáo, tín đồ còn được tiếp nhận những kiến thức về xã hội, khoa học do các chức sắc Phật giáo truyền giảng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, mở rộng hiểu biết.
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum còn thành lập đoàn cồng chiêng của người dân tộc thiểu số đi biểu diễn vào các dịp đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức (Đại lễ Vesak năm 2008 tại Hà Nội) hoặc tại các lễ lớn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Phật giáo các tỉnh, thành phố tổ chức (Đại lễ tưởng niệm 700 ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông năm 2008 tại Quảng Ninh)... Qua đó góp phần giúp Phật tử người dân tộc thiểu số có cơ hội mở rộng quan hệ giao lưu, tăng cường học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, đồng thời có cơ hội giới thiệu bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Xây dựng đời sống văn hóa mới
Tại Lâm Đồng, nơi có 47 dân tộc chung sống, có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, với tổng số tín đồ gần 800.000 người, chiếm 70% dân số toàn tỉnh. Cộng đồng người Công giáo tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 410.000 giáo dân, chiếm 31% dân số toàn tỉnh.
Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, việc thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong các sinh hoạt đạo - đời; đặc biệt việc cưới hỏi, tang ma và lễ nghi Công giáo thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Các giáo xứ đã hình thành văn hóa ứng xử mới: cưới xin diễn ra trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, không phô trương và hạn chế tình trạng say sưa; tang ma loại bỏ phong tục rườm rà, không tổ chức ăn uống linh đình, không để dài ngày. Một số giáo xứ đã hình thành Ban tang lễ để lo tổ chức cho mọi người trong giáo xứ, không phân biệt tôn giáo; phục vụ tự nguyện và hoàn toàn miễn phí.
Song song với những nỗ lực phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo tỉnh ngày càng có ý thức và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cuộc sống vui tươi lành mạnh, xa lánh các tệ nạn xã hội theo tinh thần đạo đức Kitô giáo.
Phêrô Trần Văn Bắc, Giáo xứ Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng, cho biết, các giáo xứ, giáo họ trên địa bàn thành phố Bảo Lộc luôn tích cực xây dựng nếp sống văn hóa. Hiện có 95% số xứ đạo được công nhận khu dân cư văn hóa cấp thành phố, hơn 90% hộ gia đình Công giáo được công nhận gia đình văn hóa...
Có thể thấy, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc. Khi các tôn giáo phát triển trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại nhiều tỉnh, thành phố, đồng bào theo các tôn giáo tự giác tuân thủ những lời răn dạy, tích cực tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Một số tôn giáo với những nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi quan niệm, tập tục lạc hậu, nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, góp phần thay đổi nếp sống của đồng bào theo hướng tiến bộ, văn minh.