Tín ngưỡng, tôn giáo với xây dựng đời sống văn hóa

Khơi dậy và phát huy giá trị tốt đẹp

- Thứ Ba, 17/10/2023, 07:30 - Chia sẻ

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, văn hóa chịu nhiều tác động, có xu hướng biến đổi, mai một bản sắc…, việc khơi dậy và phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo để giữ gìn, phát triển văn hóa Việt Nam thực sự cấp thiết.

Nhất quán chủ trương, nhân lên sức mạnh

Ngược dòng lịch sử, từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng đều khẳng định vai trò của tôn giáo, coi giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có phát triển nền văn hóa Việt Nam. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ cần “Phát huy các giá trị văn hóa, nhân tố tích cực trong văn hóa, tín ngưỡng”. Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Khơi dậy và phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng văn hóa Việt Nam. Ảnh: dantocmiennui.vn
Khơi dậy và phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng văn hóa Việt Nam Nguồn: dantocmiennui.vn

Những năm qua, quan điểm nhất quán ấy đã trở thành “kim chỉ nam” cho hành động. Sự thừa nhận, tôn trọng và chủ trương phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát huy giáo lý tốt đẹp trong đời sống. Ở nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện những làng văn hóa, khu phố văn hóa với sinh hoạt đạo - đời hòa hợp, với nhiều tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống mới, con người mới.

Đánh giá từ Ban Tôn giáo Chính phủ, những năm qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và đạt nhiều danh hiệu như: "Cơ sở tôn giáo văn hóa" và "Gia đình văn hóa"… Nhiều tổ chức giáo hội có chương trình, kế hoạch cụ thể để hưởng ứng và tham gia như: phong trào xây dựng "Chùa cảnh tinh tiến", hay "Chùa cảnh văn hóa" trong Phật giáo. Đồng bào Công giáo ở nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay và đề ra những nội dung, tiêu chuẩn cụ thể gắn với đặc điểm, sinh hoạt tôn giáo, đồng thời vận động từng gia đình giáo dân phấn đấu thực hiện để đạt các danh hiệu "Xứ họ đạo tiên tiến", "Gia đình Công giáo gương mẫu"…

Đặc biệt, các tôn giáo đều tích cực đóng góp chung vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa của cộng đồng bằng các hành động cụ thể như tham gia, hưởng ứng, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hay các phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới trong việc hiếu, hỉ và lễ hội; xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước của thôn xóm, khu dân cư...

Đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, thiết thực, sự mở rộng ảnh hưởng của các tôn giáo cũng gây không ít tác động tiêu cực. Thực tế, ở một số nơi, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhiều tín đồ vì theo tôn giáo nên đã từ bỏ những sinh hoạt tín ngưỡng cổ truyền, từ bỏ niềm tin vào thần linh trong tín ngưỡng truyền thống của dân tộc… Điều này tác động không nhỏ tới đời sống văn hóa của đồng bào cũng như việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của các dân tộc Việt Nam.

Sự du nhập và chạy theo các trào lưu văn hóa mới tiếp tục tạo ra nguy cơ làm cho giá trị đạo đức xã hội ngày một pha tạp, xuống cấp. Do đó, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tôn trọng và phát huy đóng góp của các tôn giáo chính là thúc đẩy phát huy đạo đức, văn hóa tốt đẹp trong xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đồng hành với dân tộc. Theo các chuyên gia, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo.

Để văn hóa phát triển bền vững, cần chú trọng tới đóng góp của tôn giáo trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần, nhằm thu hẹp khoảng cách về đời sống văn hóa của người dân giữa các vùng, miền. Cùng với việc giúp đỡ, giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thì cần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Vận động các tôn giáo tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần chống lại các luồng văn hóa xấu, độc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đặc biệt, cần động viên, huy động chức sắc, chức việc và đồng bào theo tôn giáo tiếp tục thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Thái Minh - Thảo Nguyên