Từ thực tiễn các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát tại địa phương yêu cầu 3 cơ quan báo cáo (HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh), Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị nên giao cho một đầu mối là Đoàn ĐBQH theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện báo cáo. Khi kết thúc giám sát, các đoàn giám sát chuyên đề cần gửi nghị quyết, báo cáo kết quả giám sát để HĐND cấp tỉnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị liên quan tại địa phương.
Đó là kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc trong phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Phối hợp giám sát ngay từ đầu
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc luôn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm trong công tác phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thường trực HĐND tỉnh vừa là đối tượng giám sát, vừa là chủ thể được giao tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giám sát chuyên đề khi giám sát, khảo sát tại tỉnh.
Điểm mới của nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành và tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội chủ trì (năm 2021 tổ chức trực tuyến, năm 2022 tổ chức trực tuyến, kết hợp hội nghị), thành phần có mời Thường trực HĐND cấp tỉnh. Sau khi được quán triệt, triển khai, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đối với nội dung giám sát Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát. Ngay sau khi nhận được kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát ngay từ giai đoạn thành lập Đoàn giám sát và xây dựng kế hoạch giám sát; điều hòa bảo đảm cân đối giữa các ngành, lĩnh vực; điều hòa đối tượng giám sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; hạn chế tối đa trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát. Đối với nội dung giám chuyên đề có tính chuyên môn cao, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban của HĐND tỉnh tổ chức giám sát và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để xây dựng và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những vấn đề “nóng” được đưa vào thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh.
Đối với nội dung giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Vĩnh Phúc là đối tượng giám sát, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xây dựng báo cáo và gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo yêu cầu. Để có thêm thông tin theo yêu cầu đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp tham gia giám sát chuyên đề với Đoàn ĐBQH tỉnh thông qua việc cử thành viên Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh tham gia Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh.
Học tập kinh nghiệm, đôn đốc thực hiện kiến nghị
Quá trình phối hợp với các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh việc cần linh hoạt để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Vì 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 với nội dung rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực, thời hạn gửi báo cáo kết quả giám sát tập trung vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, trong khi nguồn lực có hạn, thời điểm này HĐND tỉnh dành thời gian chuẩn bị và tổ chức kỳ họp thường lệ cuối năm.
Quá trình phối hợp giám sát, HĐND cấp tỉnh cần học tập và phát huy kinh nghiệm hay, bài học quý của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để vận dụng trong thực tiễn, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh. Căn cứ vào các kiến nghị tại các nghị quyết, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực HĐND cấp tỉnh phân công các Ban và Văn phòng theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các kiến nghị sau giám sát có liên quan tại địa phương.
Từ thực tiễn các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khi giám sát tại địa phương yêu cầu 3 cơ quan báo cáo (HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh), Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị nên giao cho một đầu mối là Đoàn ĐBQH theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện báo cáo. Khi kết thúc giám sát các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội gửi các nghị quyết, báo cáo kết quả giám sát để HĐND cấp tỉnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát liên quan tại địa phương. Cùng với đó, kiến nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Bộ Nội vụ thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng giám sát chuyên đề, nhất là kỹ năng phối hợp hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.