Về đích sớm so với chỉ tiêu
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nam Định đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIX đặt ra; kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, quy mô được mở rộng, giá trị tổng sản phẩm GRDP trong tỉnh tăng bình quân 7,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,1% (tăng 6,1% so với năm 2015). Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đạt được những thành tựu nổi bật đã khẳng định, Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm trước 1,5 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX đề ra.
Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt, sáng tạo đã động viên được sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, con em quê hương Nam Định sống và làm việc xa quê; có trên 40 nghìn tỷ đồng được huy động để đầu tư phát triển, nâng cấp cải tạo kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn giúp tăng sức hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp về đầu tư. Nhờ đó, tạo thêm việc làm, sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn tại các làng nghề và các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn.
Đến năm 2020, thu nhập thực tế bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 52 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi phát triển góp phần cải thiện vị thế, tạo diện mạo mới và cơ hội phát triển lâu dài của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 177 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 16%, vốn của dân cư và doanh nghiệp chiếm khoảng 70%
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Các dự án giao thông sẽ thúc đẩy hiện thực hóa các định hướng xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ là trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; Khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang.Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông trở thành các trọng điểm thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng... Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tập trung xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025”. Trong đó tập trung tổ chức thực hiện tốt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhằm đạt được mục tiêu “đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 6 nhiệm vụ trọng tâm và lựa chọn 3 khâu đột phá. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 5 Nghị quyết chuyên đề, trong đó có 4 Nghị quyết về phát triển kinh tế gồm: Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, nhiều kế hoạch bị đảo lộn, nhiều lợi thế cho phát triển bị mất đi. Toàn tỉnh phải tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, duy trì ổn định kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 với các chỉ tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm, thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 11%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng lên 89%); chỉ số sản xuất công nghiệp hàng năm tăng từ 14 - 14,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD; tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tăng 16,5 - 17,5%/năm; đến năm 2025 thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 10 nghìn tỷ đồng.
Với nền tảng ấy, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với nhiệm vụ, giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tỉnh đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch đối nội và đối ngoại như đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Bến Mới, cầu Đống Cao; Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Nâng cấp Quốc lộ 37C Nam Định - Ninh Bình - Hòa Bình và các dự án tỉnh lộ 485B, 487B, 488B, 488C.