Làm sao để người dân yên tâm thông tin cá nhân không bị trôi nổi trên mạng?
Mở đầu Phiên chất vấn, ĐBQH Siu Hương (Gia Lai) đặt vấn đề về việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay tình trạng vi phạm rất phổ biến. Đơn cử như các thông tin quảng bá sản phẩm đều dựa trên thông tin cá nhân, ĐBQH Siu Hương cho rằng, nhìn về quy mô, đó chỉ là của một chủ thể, nhưng xét về tổng thể thì sự vi phạm là rất lớn. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì đối với tình trạng này?
Cùng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, hiện nay các thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm, trên nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Thời gian qua, công an các địa phương cũng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội song vẫn còn rất nhiều đối tượng đang hoạt động nhưng chưa bị phát hiện, xử lý. ĐB Nguyễn Thị Thủy đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này, giúp người dân có thể yên tâm những thông tin cá nhân sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội.
Lộ, lọt dữ liệu cá nhân là tình trạng rất đáng báo động
Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, thực trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân nói chung hiện nay trên thế giới và nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động. Trong khi đó, hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân cũng chưa cao… Theo Bộ trưởng, đây là những nguyên nhân gây ra lộ, lọt dữ liệu cá nhân.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số giải pháp giải. Thứ nhất, phải xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện nay Bộ đang tiến hành công việc này nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng qua 10 lần thì hiện mới đến giai đoạn cuối. Việc ban hành Nghị định này sẽ có căn cứ pháp lý để tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tiếp theo lộ trình, Bộ dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình ra Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới đã có rất nhiều nước đã ban hành luật này còn với nước ta, khuôn khổ pháp lý cao nhất về vấn đề này hiện nay đang được thực hiện theo Luật An ninh mạng. Thứ hai, phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng. Thứ ba, tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. Điển hình là Bộ đã, đang điều tra vụ đối tượng giao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn gốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Về cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định dữ liệu này là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và và tổ chức triển khai từ đầu, rất nghiêm ngặt. Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì Bộ thực hiện đúng các điều kiện về bảo đảm an ninh, an toàn ở mức độ 4 của quốc gia và cũng đang được rà soát, rất an toàn. Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư cùng với sự phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ Trung ương tới các cơ sở. “Chúng tôi coi như đây cũng là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý để làm những việc này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công an thường xuyên tổ chức giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24 với hệ thống ngăn chặn việc tấn công, xâm nhập lấy cắp dữ liệu. Thực tế, hàng ngày Bộ đang phải đối phó với hàng nghìn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không có hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ rất lớn. Ngoài ra, Bộ cũng thường xuyên kiểm tra mức độ an ninh, an toàn của hệ thống các bộ, ngành, địa phương và chỉ thực hiện kết nối khi bảo đảm an toàn. Hiện nay, qua kiểm tra mới có 10 bộ, ngành và 33 địa phương có thể bảo đảm an toàn trong việc kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia dân cư. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "bảo đảm an toàn dữ liệu thông tin cá nhân là công việc thường xuyên quan trọng và xuyên suốt trong quá trình thực hiện của Bộ".
Về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả ở trên mạng, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng các đối tượng tạo, lập các website quảng cáo, làm dịch vụ giấy tờ giả, chứng chỉ và mang bán với mức giá từ 2 - 6 triệu đồng diễn ra công khai ở trên mạng. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triệt phá một số các đường dây làm giả chứng chỉ với quy mô lớn, có những vụ thu giữ đến 1.500 các con dấu, phôi và các công cụ máy móc để phục vụ cho việc chế tạo con dấu, tài liệu, giấy tờ, chứng chỉ giả.
Về giải pháp cho vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, Bộ đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng này. Đồng thời, đã tham mưu, hướng dẫn các cơ quan chức năng tiến hành rà soát việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bộ cũng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác lập công tác điều tra để đấu tranh, xử lý các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua, bán giấy tờ giả để xử lý theo quy định của pháp luật.