Tháng 3.2024, thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G.
Kết quả, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500 – 2.600 MHz) với giá hơn 7,5 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700 – 3.800 MHz) với giá hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.
Riêng khối băng tần C3 (3.800 – 3.900 MHz), do chỉ có 01 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500 – 2.600 MHz) tại Quyết định số 367/QĐ-BTTTT ngày 22.3.2024 và khối băng tần C2 (3.700 – 3.800 MHz) tại Quyết định số 396/QĐ-BTTTT ngày 27.3.2024.
Ông Nhã cho biết, tháng 4.2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức cấp phép cho doanh nghiệp di động thông qua đấu giá băng tần, với số tiền khoảng 12.700 tỷ đồng. “Đây là minh chứng cho cam kết của doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 5G trong thời gian tới”.
Những tháng qua, các doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư hạ tầng. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ làm hệ thống 5G phục vụ cho các khu vực có lưu lượng 4G bị nghẽn; tập trung phát triển cho các khu vực có khu công nghệ cao, các nhà máy thông minh…
Sau ảnh hưởng từ đợt bão lũ vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông đang tiếp tục đầu tư 5G theo cam kết. Muộn nhất tháng 4.2025, tức sau 01 năm được cấp phép, các doanh nghiệp sẽ chính thức thương mại 5G, ông Nhã thông tin.