Trong lịch sử, Ảrập Xêút từng là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ làm việc cực kỳ thấp, cả theo tiêu chuẩn toàn cầu hay Trung Đông. Năm 2011, chỉ có 10% phụ nữ Ảrập Xêút có việc làm, so với 56% nam giới. Mặc dù Chính phủ Ảrập Xêút từ lâu đã khuyến khích phụ nữ đi học lấy bằng tú tài và cử nhân, thậm chí du học, song một số chuẩn mực văn hóa và hạn chế pháp lý đã khiến nhiều phụ nữ không thể tham gia lực lượng lao động. Thu nhập cao của nam giới cùng hỗ trợ xã hội đáng kể của Chính phủ khiến nhiều phụ nữ không cần phải ra ngoài kiếm tiền. Đối với những người chọn đi làm, họ phải đối mặt với nhiều rào cản, từ văn hóa ít khuyến khích tương tác giữa các giới tính, lệnh cấm đối với một số ngành, nghề nhất định đến hạn chế làm ca đêm.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình Mùa xuân Ảrập năm 2010 - 2011 đã buộc Chính phủ phải đối mặt với thực tế là tình trạng thất nghiệp gia tăng ở thanh niên không còn có thể được giải quyết bằng cách cung cấp việc làm trong lĩnh vực công. Dân số đã tăng nhanh hơn nguồn thu từ dầu mỏ của đất nước. Do đó, Chính phủ đã thực hiện chiến dịch thúc đẩy khu vực tư nhân, nhờ đó tạo thêm việc làm cho người dân, mở rộng cơ hội cho cả nam lẫn nữ. Đến năm 2023, 31% phụ nữ Ảrập Xêút đã được tuyển dụng, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu lực lượng lao động. Họ trở thành nguồn nhân lực tiềm năng, có khả năng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Cơ sở giáo dục và tăng trưởng việc làm
Phụ nữ Ảrập Xêút từ lâu được hưởng lợi từ hệ thống giáo dục công lập khá toàn diện, học miễn phí cho đến hết đại học. Giáo dục chính thức dành cho phụ nữ và trẻ em gái bắt đầu từ những năm 1960 với các môn học giúp họ chuẩn bị làm mẹ. Sau đó, giáo dục đại học được mở rộng vào những năm 1980. Mặc dù vậy, trước năm 2010, hầu hết phụ nữ Ảrập Xêút có việc làm đều công tác trong khu vực công, chủ yếu là tại các trường nữ sinh. Sở dĩ các công việc trong khu vực công thường được ưa thích hơn là do có địa vị cao, lương hấp dẫn, ổn định trong khi giờ làm linh hoạt và môi trường không phải tiếp xúc nhiều với giới tính khác.
Sau các cuộc biểu tình Mùa xuân Ảrập, Chính phủ tích cực giải quyết tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, với tỷ lệ cao đáng lo ngại ở mức 30%. Các chính sách như hạn ngạch việc làm cho các công ty tư nhân và hỗ trợ tài chính hàng tháng cho người tìm việc đã giúp gia tăng số lượng phụ nữ tìm việc. Đến tháng 6.2011, hơn 500.000 phụ nữ đăng ký nhận trợ cấp trong chương trình chống thất nghiệp của Chính phủ, bao gồm cả quyền truy cập vào các chương trình đào tạo trực tuyến. Điều này giúp số lao động nữ tăng nhanh chóng, với gần 2/3 các công ty tư nhân tuyển dụng phái yếu vào năm 2015, và tỷ lệ phụ nữ làm việc trong khu vực tư nhân tăng gần gấp ba, lên 27%.
Ngoài ra, Quốc vương Abdullah thời đó cũng công bố nhiều cải cách dành riêng cho phụ nữ, như quyền bầu cử và ứng cử vào các chức vụ trong thành phố. Năm 2012, công việc bán lẻ trong một số lĩnh vực nhất định như bán đồ lót và mỹ phẩm chỉ dành cho phụ nữ, mở rộng đáng kể cơ hội việc làm cho họ. Bên cạnh đó, quyết định mang tính bước ngoặt năm 2018 nhằm dỡ bỏ lệnh cấm lái xe đối với phụ nữ cũng giúp tăng thêm các lựa chọn đi lại, thậm chí cho phép họ làm việc cho các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe như Uber.
Năm 2019, Ảrập Xêút điều chỉnh đáng kể hệ thống giám hộ, vốn trước đây yêu cầu phụ nữ phải xin phép người thân là nam giới để làm việc, đi du lịch hoặc thậm chí được chăm sóc y tế. Cải cách này cấm các công ty yêu cầu phụ nữ phải nhận được sự đồng ý của người giám hộ như một điều kiện tuyển dụng, báo hiệu nỗ lực mạnh mẽ của đất nước nhằm mở rộng quyền của phụ nữ. Những thay đổi đó là một phần của chiến lược phát triển Tầm nhìn 2030, do Thái tử Mohammed bin Salman đưa ra vào năm 2016, nhằm giảm sự phụ thuộc của vương quốc vào dầu mỏ, đồng thời xây dựng một nền kinh tế đa dạng và kiên cường hơn. Một trong những trụ cột chính của chiến lược là tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ lên 30% vào năm 2030. Vào thời điểm trên, mục tiêu trên có vẻ đầy tham vọng, song nó đã nhanh chóng bị vượt qua.
Tác động kinh tế - xã hội
Trong 6 năm qua, các cải cách tập trung mở rộng ngành, nghề và thời gian làm việc cho phụ nữ, hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục, bảo đảm trả lương và phúc lợi hưu trí bình đẳng, cấm người sử dụng lao động sa thải lao động nữ đang mang thai. Nhờ đó, cơ hội kinh tế cho phụ nữ đã mở rộng chưa từng có. Số lượng lao động nữ làm việc trong khu vực tư nhân hiện nay cao gấp 8 lần so với cách đây hàng chục năm. Tỷ lệ phụ nữ trong khu vực công giảm xuống còn 1/3. Chỉ số Phụ nữ, doanh nghiệp và pháp luật của Ngân hàng Thế giới, đo lường bình đẳng giới của các quốc gia trong luật lao động, đã tăng điểm của Ảrập Xêút từ 29 vào năm 2011 lên 71 (thang điểm 100) vào năm 2023. Đây là một trong những mức tăng lớn nhất đối với bất kỳ quốc gia nào trong 50 năm qua.
Những thay đổi này không chỉ cải thiện năng suất kinh tế, mà còn nâng cao vai trò của phụ nữ trong đời sống công cộng, giúp các gia đình trở nên vững vàng hơn về mặt tài chính. Sự góp mặt ngày càng tăng của lực lượng lao động nữ cũng tạo ra một vòng phản hồi tích cực: phụ nữ làm việc càng được xã hội trân trọng thì Chính phủ càng được khuyến khích theo đuổi những cải cách đầy tham vọng. Chẳng hạn, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ đi học mẫu giáo của trẻ em Ảrập Xêút từ chưa đầy 1/4 vào năm 2019 lên 40% như một phần của Tầm nhìn 2030, một phần để hỗ trợ các bà mẹ quay trở lại làm việc.
Xu hướng tương lai
Mặc dù có tiến bộ nhưng quá trình chuyển đổi không phải là không có thách thức. Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2020 cho thấy, 80% nam giới ủng hộ phụ nữ làm việc bên ngoài gia đình, nhưng lại luôn đánh giá thấp các đồng nghiệp nữ. Các công ty không quen với việc quản lý nhân viên nữ phải đối mặt với những rào cản về hậu cần và văn hóa. Nhiều người sử dụng lao động không chắc chắn về cách tuân thủ các quy định liên quan đến phụ nữ tại nơi làm việc và gặp khó khăn trong việc thiết lập, quản lý không gian làm việc dành cho cả nam lẫn nữ. Thuê lao động nữ đòi hỏi phải có chiến lược tuyển dụng rộng hơn, nâng cấp chính sách nhân sự, điều chỉnh cơ cấu tổ chức phù hợp và thậm chí thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Những rào cản này có thể giải thích tại sao khoảng 1/3 các công ty ở Ảrập Xêút vẫn chọn duy trì toàn nam giới.
Vì thế, để duy trì và phát huy những thành tựu nói trên, các nhà hoạch định chính sách Ảrập Xêút cần tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động và cung cấp những hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non. Nhiều bà mẹ nước này cho rằng, việc thiếu dịch vụ chăm sóc con cái là lý do khiến họ không tìm được việc làm. Chính phủ có thể hỗ trợ các công ty tư nhân bằng cách cung cấp các khoản tài trợ để nâng cấp nơi làm việc, chẳng hạn như nhà vệ sinh nữ hay không gian cầu nguyện, đồng thời hỗ trợ nỗ lực tuyển dụng và đào tạo cán bộ nhân sự. Hướng dẫn rõ ràng, nhất quán về việc tuân thủ các quy định mới cũng rất cần thiết.
Thập kỷ qua chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng về cơ hội việc làm của phụ nữ ở Ảrập Xêút. Vì thế, thách thức hiện nay là bảo đảm rằng những tiến bộ đó được củng cố và tiếp tục phát triển.