Nơi thoa giữa truyền thống và hiện đại
Vùng đất Mông Cổ ngày nay từng là nơi sinh sống của rất nhiều tộc người từ thời tiền sử, chủ yếu là dân du mục và dần phát triển thành những liên minh lớn mạnh. Năm 209 trước Công nguyên, người Hung Nô đã lập liên minh hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của vua Mặc Đốn. Họ đã đánh bại người Đông Hồ, vốn kiểm soát miền đông Mông Cổ trước kia rồi nhanh chóng trở thành một thế lực lớn uy hiếp Trung Hoa trong 3 thế kỷ sau đó. Nhà Tần phải xây dựng Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn sự xâm nhập từ phía bắc của người Hung Nô. Và nói đến đây là nghĩ tới một thời với những trang hào hùng đời Nhà Trần trong sử sách Việt.
Vì đi lên từ điểm xuất phát thấp, phụ thuộc bao cấp quốc tế, nên khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế Mông Cổ bị “tuột dốc”. Nhưng làn gió cải tổ đã ùa đến. Chỉ vài thập kỷ sau, người ta đã thấy một Mông Cổ rất khác.
Trải rộng hơn 1,5 triệu km2, nhưng chỉ có 3,3 triệu người, kinh tế Mông Cổ có truyền thống và thế mạnh là chăn nuôi với đồng cỏ mênh mông và đàn gia súc còn đông hơn cả số dân cả nước. Nhưng trồng trọt thì không mạnh vì lớp đất màu mỏng, nước không dồi dào, thời tiết khắc nghiệt. Đa số dân cư ngoài các đô thị bám thảo nguyên, tự cấp tự túc bằng chăn thả và trồng tỉa lương thực, hoa màu. Như được thiên nhiên bù đắp, dưới lớp cát sa mạc là những mỏ kim loại quý hiếm được xem là “cái rốn mới” của Trái đất. Khai thác đồng, than, molypden, kẽm, tungsten và vàng chiếm một phần lớn sản phẩm công nghiệp. Xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc là nguồn thu nhập giúp Mông Cổ có vốn phát triển, song việc xuất khẩu quặng thô không mang lại nhiều lợi nhuận. Năm 2011, khi giá đồng, quặng sắt tăng vọt, kinh tế của Mông Cổ tăng tới 17,29%. Năm 2020, GDP bình quân đầu người là 12.970 USD.
Nơi hội tụ, giao hòa giữa ký ức hào hùng và hiện tại phát triển của Mông Cổ là Thủđô Ulaanbaatar (Ulan Bator). Trước khi có danh xưng Ulan Bator, thành phố này từng có nhiều tên gọi, trong đó có Bogdiin Khuree trong bài dân ca “Tôn kính Bogdiin Khuree”. Năm 1924, nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ mới được thành lập, tên của Thành phố được đổi thành Ulaanbaatar (nghĩa là “Anh hùng Đỏ”) để tỏ lòng tôn kính với anh hùng dân tộc Mông Cổ Damdin Sükhbaatar. Tượng của ông nay vẫn được đặt tại quảng trường trung tâm thủ đô. Quảng trường cũng là nơi giao lưu và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của Mông Cổ thông qua các hoạt động văn hóa và sự kiện diễn ra thường xuyên. Tại Thủ đô còn có tượng Thành Cát Tư Hãn từ những vị trí trang nghiêm đến những nơi bình dị, trong nhà lều và là các họa tiết trang trí trong các món đồ nội thất, sinh hoạt. Tại khu tượng đài kết hợp bảo tàng hoành tráng, tượng thành Cát Tư Hãn uy nghiêm trên lưng ngựa.
Đến Ulan Bator là có dịp được thưởng ngoạn các danh thắng. Nhà hát Lớn Opera Ulaanbaatar với kiến trúc lộng lẫy và sân khấu hoành tráng, Đài tưởng niệm Zaisan nằm trên một ngọn đồi cao; Bảo tàng lịch sử quốc gia; Bảo tàng Mĩ thuật. Tu viện Lạt ma Choijin, Tu viện Gandan, Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè...
Ngự ở độ cao 1.350 m (4.430 ft) so với mực nước biển, Ulan Bator nằm trong top những thủ đô lạnh nhất thế giới. Mùa đông nơi đây có thể xuống đến - 40 độ C. 45% dân số Mông Cổ sinh sống tại đô thành này. Thành phố vẫn được chở che bởi dãy núi, nhưng sầm uất, nhộn nhịp khác thường với những cao ốc ấn tượng, nội thất tân kỳ, đường sá thênh thang, vun vút các dòng xe sang, mới cứng, thỏa sức mua sắm, thưởng thức ẩm thực đặc sắc tại khu chợ Black Market.
Những điều kỳ thú
“Tết Tháng Trắng”: Tết cổ truyền của người Mông Cổ còn được gọi là tết Tsagaan Sar, trùng vào dịp tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Tuy nhiên, do sự giao thoa văn hóa giữa Trung Quốc và Nga nên Tết Tháng Trắng của Mông Cổ không hoàn toàn giống với phong tục của các nước châu Á. Người Mông Cổ coi màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự cát tường. Những ngày đầu năm mới, họ thường mặc đồ trắng hay tặng nhau những đồ vật có màu trắng. Vào thời khắc giao thừa, quỳ gối uống rượu, thưởng trà với chén bát rửa bằng sữa ngựa.
Mông Cổ không có biển nhưng có nhiều hồ lớn, nên vẫn mua tàu biển và trong đó có tàu chuyên dùng chở dầu qua hồ Khövsgöl đến Nga. Mông Cổ còn có hải quân đông tới “7 người” nhưng chỉ làm… hướng dẫn viên du lịch. Khövsgöl là hồ sâu nhất thảo nguyên, là 1 trong 14 hồ nước ngọt lớn nhất khu vực Châu Á, nằm trong danh sách “must-go” (những nơi phải đến). Mùa đông, người Mông Cổ khắp chốn lại tới hồ này. Trong cái lạnh buốt, mặt hồ đóng băng, họ vui chơi đủ các trò từ cổ xưa đến hiện đại, mừng vui cho qua mùa đông khắc nghiệt, háo hức đón rực rỡ nắng vàng.
Chỉ cần ra khỏi thành phố không xa là có thể thấy những thảm xanh bạt ngàn nối tiếp nhau, bất tận như tấm thảm khổng lồ giữa trời đất, khó nhìn thấy một mẩu rác nào vương vãi. Du khách theo đó mà răm rắp, còn tấm tắc Mông Cổ là “thiên đường không rác”.
Sẽ thấy thiêu thiếu nếu không tới Sa mạc Gobi, được mệnh danh là “trái tim của Mông Cổ”. Cứ tưởng sa mạc chỉ toàn nắng gió, cát bụi, nhưng nơi đây lại có một hệ sinh thái phong phú với những đồng bằng sỏi, cồn cát, và những chú lạc đà Bactria, gấu nâu, chó sói, chồn putoa, báo tuyết và trầm tích hóa thạch của những động vật từ thời tiền sử.
Vẫn là những hình hài truyền thống, song lều bạt du mục nay đã khác. Chất liệu bền chắc, sáng màu, chợt nhìn tựa hồ như mảng nấm lùn trồi lên sau mưa rào giữa thảm có mướt xanh, còn nội thất thì khách sạn cũng chỉ đến vậy. Theo tập tục của dân bản địa, nếu bước vào lều bằng chân trái, các hồn ma sẽ ám theo nên phải bước bằng chân phải, nếu trót đưa chân trái trước thì phải quay ra khỏi lều mới bước vào lại. Cũng nghe dân bản địa có quan niệm, nếu dùng nước để tắm sẽ đụng chạm đến long mạch và các thần linh do đó ít dùng nước để tắm, càng ít tắm càng nhiều may mắn. Nay tập tục này không còn phổ biến.
Nồng ấm bang giao
Việt Nam - Mông Cổ đã thiết lập quan hệ bang giao từ 70 năm trước với những trang sử vàng, nay càng khởi sắc. Năm 2023, Mông Cổ xuất sang Việt Nam 5 triệu USD thịt cừu, thịt dê, sản phẩm từ gia súc. Ở chiều ngược lại, Mông Cổ đã nhập từ Việt Nam 115 triệu USD gạo, dầu đậu nành, các loại hạt đóng hộp, trái cây sấy khô và bao bì nhựa. Vào tháng 11.2023, nhân cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao, hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD trong những năm tới cùng chuỗi giải pháp: Tăng cường xúc tiến đầu tư; Hợp tác cung ứng nguyên liệu, nhất là trong các ngành hai bên có thế mạnh; Mở rộng hợp tác về khoáng sản chiến lược, về giao thông vận tải; Kết nối doanh nghiệp, tổ chức hội thảo, hội chợ; mở đường bay thẳng; Ký hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông; Tăng cường giao lưu nhân dân; Hợp tác giữa các địa phương…. Việt Nam đã có tour du lịch tới Mông Cổ với lịch trình dày đặc các điểm đến để khám phá đất nước “đường xa mà đã đang gần hỡi ai”.