Đánh thức di sản
Triển lãm “Bóng di sản” khai mạc cuối tuần qua tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, 29 Hàng Bài, Hà Nội, giới thiệu hơn 50 tác phẩm của nhóm nghệ sĩ 33A vẽ về làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội. Ngôi làng có tuổi đời trên 500 năm với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp độc đáo, riêng biệt, là điểm đến đầu tiên của các nghệ sĩ trong dự án “Đánh thức di sản”, dùng nghệ thuật để lưu giữ, bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể trên mọi miền đất nước.
![]() Hội họa tôn vinh di sản |
Họa sĩ Dương Tuấn, Trưởng nhóm nghệ sĩ 33A cho biết, các nghệ sĩ trong nhóm đã dành thời gian đi thực tế, ăn, ở và sinh hoạt cùng người dân làng Cựu để tìm hiểu và sáng tác về ngôi làng yên bình này. Nhìn ngắm, hít thở cả màu thời gian còn lưu lại, họ có chung ý muốn lưu lại vẻ đẹp ấy, đồng thời đánh thức tình yêu và sự quan tâm của mọi người về bảo tồn di sản văn hóa.
Tập trung thể hiện vẻ đẹp của cổng làng, họa sĩ Tuấn Đạt chia sẻ: “Sau cánh cổng làng đã phai màu thời gian, ta như bước vào một thế giới khác, xưa cũ và cổ kính. Đó là cả một câu chuyện dài về làng Cựu với nét kiến trúc Việt cổ và Pháp độc nhất vô nhị. Làng còn nổi tiếng với nghề thợ may Tây Âu đệ nhất Hà thành”.
Là người đi nhiều, họa sĩ Mạnh Tưởng cảm nhận rất rõ khi về làng Cựu là “sự yên lặng đến nao lòng, chỗ đông nhất của làng Cựu là nơi họp chợ ở giữa làng. Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ là mấy bà già và vài chị bán mớ rau, bìa đậu, vài quả trứng và chút hoa quả. Các ngôi nhà cổ kính với cánh cổng luôn cửa cài then đóng tĩnh mịch. Còn một số hộ gia đình sinh sống rất lặng lẽ”. Sự tĩnh lặng đó đã chạm đến trực cảm của anh, nên họa sĩ không khai thác phong cảnh đẹp cổ kính của đường làng, con ngõ hay riêng một góc nào đó. Anh thể hiện qua những cổng nhà, những ô cửa, cửa nhà là nơi đi về, là tổ ấm của mọi gia đình. Anh muốn mời gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ: Hãy đến, cảm nhận và chạm tình yêu của mình với di sản mà cha ông ta đã gây dựng. Chỉ như vậy ta mới có ý thức gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo các giá trị văn hóa đang ngày càng mai một.
"Các tác phẩm là tấm lòng của các họa sĩ trẻ xót xa cho bóng dáng lịch sử và thấy rằng nghệ thuật cần phải lưu lại, trước những biến đổi đang diễn ra nhanh chóng. Đây là ý tưởng hay, tốt đẹp, để giới thiệu với mọi người dấu ấn, thành quả của cha ông ta qua các thời kỳ". Họa sĩ Trần Huy Oánh |
Bảo tồn di sản bằng hội họa
Trước tác động của thời gian và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhiều ngôi làng nhạt phai vẻ đẹp xưa cũ; biến đổi nhanh chóng, đáng lo ngại với những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc mới, quy mô lớn, nổi bật, phá vỡ không gian hài hòa vốn có. PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nhóm trưởng viết dự án “Thành phố sáng tạo”, khi về làng Cựu đã nhận ra sự biến đổi đó. Chị đã đề xuất ý tưởng đưa làng Cựu trở thành điểm du lịch nhằm phát triển nhưng vẫn bảo tồn di sản, khơi gợi ý thức bảo tồn của chính quyền và nhân dân làng Cựu.
Những bức ảnh chụp về làng Cựu của chị Thu Phương đã nhận được sự đồng cảm của nhóm họa sĩ 33A. 9 họa sĩ đã về thăm làng rồi vẽ tranh và tổ chức triển lãm “Bóng di sản”. Không dừng lại ở đó, họa sĩ Nguyễn Minh cho biết, tiếp nối triển lãm này, nhóm 33A dự tính sẽ đi tới các ngôi làng khác ở đồng bằng Bắc Bộ, như làng Nôm (Hưng Yên), làng Chùa (Ứng Hòa, Hà Nội)... trước khi mở rộng ra các di sản trên cả nước.
Ngoài “Bóng di sản”, tại Mành Studio, ngõ Ba Gang, thôn Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, cũng đang diễn ra triển lãm “Đối cảnh Cự Đà”. Hơn 50 tác phẩm có cùng chất liệu bột màu (trên giấy báo hoặc giấy bìa) vẽ phong cảnh, tĩnh vật, ký họa lấy cảm hứng từ ngôi làng 400 năm tuổi của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng gửi gắm tình yêu của anh với ngôi làng đã gắn bó trong hơn 10 năm qua...
Hiện nay, nhiều làng cổ, trong đó có Cự Đà, đã thay đổi khá nhiều. Làng Cựu may sao, lối sống mới không phá hỏng nó như nhiều ngôi làng khác, đình làng, chùa làng vẫn được gìn giữ; đường làng ngõ xóm lát đá phiến hoặc xếp gạch nghiêng; xen giữa các ngôi nhà ba gian hai chái, sân gạch, cầu ao, hiên, dại theo lối cổ truyền Bắc Bộ là những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc thuộc địa Á, Âu... Trước hiện thực ấy, mỗi nghệ sĩ một phong cách, có người vẽ rất kỹ, tôn trọng từng chi tiết, có người khái quát, tập trung gợi mở nỗi niềm lưu luyến những gì đã qua và tạo ấn tượng thị giác... Mỗi người một vẻ, nhưng các tác phẩm đều có tiếng nói chung là muốn gìn giữ giá trị của cha ông để lại.
Làng quê không phải đề tài mới mẻ trong hội họa. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, các họa sĩ trẻ đã dùng cái đẹp/hội họa để bảo vệ cái đẹp/di sản: “Có nhiều cách bảo tồn di sản, trong đó bảo tồn di sản bằng chính cái đẹp là một cách bảo tồn đẹp, một cách bảo tồn độc đáo... Thế giới ngày càng mở, công chúng yêu nghệ thuật hôm nay đã khác trước, những người trẻ hôm nay có cách cảm nhận nghệ thuật hiện đại hơn. Hướng đến lớp công chúng này, các nghệ sĩ đã cởi mở trong quan niệm hội họa nhưng tựu trung đều là một cách nhìn hiện đại, không gò bó theo bất kể con đường nào. Tôn vinh, bảo tồn, bảo vệ di sản chỉ thực sự bền vững khi cách thức bảo tồn ấy phù hợp với đời sống hôm nay, con người hôm nay”.