Dự luật Quốc tịch mới do liên minh Tự do-Xã hội của Thủ tướng trung tả Olaf Scholz đưa ra, đã được Quốc hội thông qua cuối tuần qua với số phiếu 382 phiếu thuận, 234 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Với việc thông qua luật quốc tịch mới này, chính phủ liên minh ba đảng là đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP) đã thực hiện được một trong những thỏa thuận then chốt khi nhất trí thành lập Chính phủ liên minh.
Tạo điều kiện cho những người đóng góp
Luật mới sẽ cho phép mọi người đủ điều kiện trở thành công dân sau 5 năm ở Đức hoặc 3 năm trong trường hợp “có những thành tích hội nhập đặc biệt”, thay vì 8 hoặc 6 năm như trước đây. Trẻ em sinh ra ở Đức sẽ tự động trở thành công dân nếu cha hoặc mẹ là cư dân hợp pháp trong 5 năm, thay vì quy định 8 năm.
Việc sở hữu song tịch, trước đây chỉ áp dụng cho các quốc gia trong Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, giờ đây có thể áp dụng cho bất kỳ đối tượng nào đủ điều kiện.
Theo Bộ Nội vụ Liên bang, khoảng 14% dân số Đức - tức là hơn 12 triệu người hiện không có quốc tịch Đức. Khoảng 5 triệu người trong số họ đã sống ở Đức ít nhất 10 năm. Vào năm 2022, 168.545 người nộp đơn xin quốc tịch Đức, thấp hơn mức trung bình của EU.
Cho đến nay, quốc tịch kép chỉ có thể được áp dụng đối với công dân EU và Thụy Sĩ. Những cải cách sẽ đưa Đức ngang hàng với các nước châu Âu khác. Tại EU, Thụy Điển có tỷ lệ nhập tịch cao nhất vào năm 2020, với 8,6% tổng số người nước ngoài sống ở đó được nhập tịch. Ở Đức, tỷ lệ này là 1,1%.
Giải quyết vấn đề lao động
Trong một video hoan nghênh Luật Quốc tịch mới, Thủ tướng Scholz cho biết luật này dành cho tất cả những người đã sống và làm việc ở Đức trong “nhiều thập kỷ”. Ông Scholz nói: “Với Luật Quốc tịch mới, chúng tôi muốn nói với tất cả những người thường sống và làm việc ở Đức trong nhiều thập kỷ, những người tuân thủ luật pháp của chúng tôi, những người đang coi nơi đây là quê nhà: Các bạn thuộc về nước Đức”.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết những thay đổi này sẽ giúp thu hút những lao động có tay nghề mà nước Đức đang rất cần trong bối cảnh quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động. Ông Nancy Faeser nói trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội: “Chúng ta phải theo kịp cuộc đua thu hút lao động có tay nghề”.
“Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần đưa ra lời đề nghị cho những người đủ tiêu chuẩn từ khắp nơi trên thế giới, giống như Hoa Kỳ và Canada đã làm. Quốc tịch Đức rõ ràng là một phần trong đó”.
Động thái này sẽ cho phép hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả những người nhập cư thế hệ thứ ba có cha mẹ và ông bà từng đến Đức từ những năm 1950 đến 1970 với tư cách là “lao động khách mời” trở thành công dân và cử tri Đức.
Sàng lọc kỹ hơn
Đạo luật mới này khác trước rất cơ bản về cách tiếp cận và định hướng. Cách tiếp cận mới cho thấy Chính phủ Đức cởi mở hơn với việc nhập tịch và việc sở hữu hai quốc tịch; đồng thời đưa ra quy định để sàng lọc kỹ càng hơn, giải quyết chóng vánh hơn nhưng có những điều kiện cao hơn được đặt ra, đặc biệt về khả năng hòa nhập vào xã hội Đức và đóng góp cá nhân cho nước Đức.
Luật Quốc tịch mới cũng đưa ra những quy định để “sàng lọc” kỹ hơn những đối tượng đủ điều kiện. Theo đó, đạo luật chỉ tạo thuận lợi cho những người nước ngoài có việc làm tự trang trải cuộc sống của mình và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng; không áp dụng cho người nhận trợ cấp xã hội. Điều kiện về thành thạo ngôn ngữ Đức và hiểu biết về chính trị, xã hội và văn hóa Đức được nâng cao đáng kể.
Khối CDU-CSU trong Quối hội phản đối các quy định mới, vì cho rằng, việc dễ dãi hóa quy định nhập tịch sẽ không thể "bảo vệ giá trị của quyền công dân Đức". Họ đang tìm kiếm một đường lối cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD), đảng đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, bản thân Chính phủ liên minh cũng cam kết sẽ có một đường lối nhập cư cứng rắn. Trước đó một ngày, Quốc hội Đức cũng vừa thông qua quy định mới về nhập cư, cho phép trục xuất nhanh hơn những người nhập cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn không thành công.