Thượng viện dự kiến sẽ biểu quyết về dự thảo Luật Cửa hàng ứng dụng mới giúp thúc đẩy môi trường công bằng và cạnh tranh hơn cho các nhà phát triển ứng dụng ở đất nước mặt trời mọc, sau khi được Hạ viện thông qua vào tuần trước.
Bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng
Trong những năm gần đây, các nhà phát triển ứng dụng di động ở Nhật Bản phải đối mặt với nhiều hạn chế mà họ cho là tùy tiện và phản cạnh tranh do hai ông lớn khổng lồ công nghệ thống trị hệ điều hành di động áp đặt. Do đó, dự luật đề xuất nhằm mục đích trang bị cho Chính phủ Nhật Bản công cụ cần thiết để ngăn chặn hành vi lạm dụng kịp thời và hiệu quả, từ đó cho phép các nhà phát triển cạnh tranh tự do hơn với những tập đoàn lớn nhất thế giới như Apple hay Google. Động thái lập pháp này được dự đoán sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Nhật Bản.
Điện thoại thông minh hiện là phương tiện chính để hầu hết mọi người truy cập Internet, và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường hệ sinh thái ứng dụng di động đang có nhiều thiếu sót vì sức mạnh áp đảo chỉ do hai tập đoàn nắm giữ. Các nghiên cứu sâu rộng của Nhật Bản và nhiều Chính phủ khác cho thấy, các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google có đầy rẫy hành vi lạm dụng lẫn hoạt động ngăn cản cạnh tranh và đổi mới.
Cụ thể, các tập đoàn này thu tiền thuê độc quyền từ các nhà phát triển ứng dụng và buộc các nhà phát triển nhỏ phải cung cấp dữ liệu riêng tư mà sau đó Apple và Google sử dụng để tạo ra các ứng dụng đối thủ được tích hợp và tối ưu hóa. Ngoài ra, họ chặn các nhà phát triển giới thiệu các tính năng tiện lợi, chẳng hạn như mua sách nói trong ứng dụng mà Spotify tìm kiếm bằng cách bắt buộc các giao dịch phải thông qua hệ thống thanh toán của riêng họ.
Vì sự cạnh tranh công bằng trên thị trường kỹ thuật số
Nhận thấy sự cần thiết phải can thiệp, Nhật Bản, giống như nhiều khu vực pháp lý khác, đang thực hiện nhiều bước để khôi phục cạnh tranh và ngăn chặn những hành vi lạm dụng trên. Tuy nhiên, những người bảo vệ Apple và Google đã chỉ trích dự luật do Nhật Bản đề xuất, lo ngại nó sẽ làm giảm quyền kiểm soát đối với nền kinh tế ứng dụng di động, đồng thời ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của họ. Apple và Google đều cho rằng, quyền riêng tư và bảo mật của người dùng sẽ bị xâm phạm nếu các công ty buộc phải nới lỏng quyền kiểm soát ứng dụng của người dùng.
Những người phản đối cho rằng, dự luật mới của Nhật Bản là không cần thiết, vì hệ sinh thái di động của nước này đang phát triển mạnh. Họ đánh giá, các quy định mới là sai lầm bởi vì bản thân lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản vốn dĩ đã tiên tiến và phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng, những lập luận trên bỏ qua bản chất cơ bản của thị trường cạnh tranh thực sự, vốn dựa vào sự hiện diện của nhiều lựa chọn và sự lựa chọn thực sự của người tiêu dùng. Họ dẫn chứng, cách đây 30 năm, Microsoft từng nắm vị trí kiểm soát tương tự đối với việc truy cập Internet thông qua nền tảng hệ điều hành Window. Nhưng cuối cùng, trước sự thúc giục của các công ty ở Thung lũng Silicon, Mỹ, EU và nhiều nước khác đã hành động để hạn chế quyền lực và sự lạm dụng của Microsoft. Kết quả là các nhà đổi mới, bao gồm cả Apple và Google khi ấy, có thể tự do xây dựng các doanh nghiệp đổi mới phục vụ khách hàng trên máy tính Windows mà không bị Microsoft can thiệp.
Ngày nay, việc kiểm soát truy cập internet đã chuyển từ máy tính cá nhân sang thiết bị di động, với sự kiểm soát chặt chẽ của Apple và Google. Theo các nhà lập pháp Nhật Bản, bất chấp các hoạt động độc quyền được biết đến rộng rãi, hai tập đoàn này từ lâu vẫm trốn tránh nhiều quy định quan trọng. Vì vậy, theo họ, để thúc đẩy một nền kinh tế di động phát triển mạnh, dự thảo Luật Cửa hàng ứng dụng đang được Quốc hội xem xét là rất cần thiết.
Sự lạm dụng độc quyền kéo dài mà người tiêu dùng và nhà phát triển phải đối mặt làm nổi bật sự cần thiết phải có các biện pháp mới mạnh tay hơn. Thực tế, chiến lược của Nhật Bản tương tự với những gì diễn ra ở Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh. Chẳng hạn, Luật cạnh tranh mới của EU đã bắt đầu xiết các ông lớn công nghệ, theo đó buộc họ phải thay đổi sâu rộng đối với một số sản phẩm công nghệ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, bao gồm cửa hàng ứng dụng App store của Apple; CH Play và nền tảng tìm kiếm, nhắn tin của Google; hay WhatsApp của Meta (công ty mẹ của Facebook).
Tương tự, ngay tại nước Mỹ, Đạo luật Thị trường ứng dụng mở đã được một ủy ban Thượng viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng vào năm 2022 và Bộ Tư pháp hiện theo đuổi vụ kiện chống lại Apple vì hành vi phản cạnh tranh.