Gỡ "điểm nghẽn" cho động lực tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thông qua kế hoạch trong phiên họp kéo dài một tuần, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An cho biết, động thái này sẽ giảm bớt áp lực thanh khoản cho chính quyền địa phương và khơi thông "điểm nghẽn" đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Cụ thể, Chính phủ sẽ chi 6.000 tỷ NDT (840 tỷ USD) trong 3 năm tới, nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm bớt khối nợ khổng lồ ở các cấp địa phương trên khắp cả nước. Khoản tiền này sẽ được giải ngân ngay lập tức và được phân bổ từ nay đến cuối năm 2026, tương đương 2.000 tỷ NDT mỗi năm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ phát hành 800 tỷ NDT trái phiếu đặc biệt mỗi năm, tổng cộng 4.000 tỷ trong 5 năm. Như vậy, tổng quy mô của gói cứu trợ lần này lên tới 10.000 tỷ NDT (tương đương gần 1.400 tỷ USD), được coi là một trong những gói kích thích lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay từ cuối năm 2019, nợ địa phương đã chiếm tới 22% GDP Trung Quốc. Gói cứu trợ mới được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương tiết kiệm được khoảng 300 tỷ NDT tiền lãi mỗi năm.
Bộ trưởng Lam Phật An cho biết, thông qua các biện pháp trên, dự kiến nợ ẩn của chính quyền địa phương sẽ giảm từ 14.300 nghìn tỷ NDT vào cuối năm 2023 xuống còn 2.300 nghìn tỷ NDT vào năm 2028.
Nợ ẩn là các khoản nợ mà chính quyền địa phương vay từ các công ty tài chính thuộc sở hữu của nhà nước, nhưng không được liệt kê trong bảng cân đối kế toán chính thức. Các khoản nợ này không được quản lý chặt chẽ và được coi là "quả bom hẹn giờ" về mặt tài chính. Những năm gần đây, sự suy thoái của thị trường bất động sản đã làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu từ bất động sản, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách của các địa phương tại Trung Quốc. Đồng thời, các chi phí khổng lồ cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19 càng đẩy gánh nặng tài chính lên cao trong khi áp lực trả lãi do khoản nợ ẩn lớn. Điều này đã cản trở các địa phương thực hiện trung thực các chính sách hỗ trợ mà các nhà lãnh đạo cấp cao đã kêu gọi.
Nhà kinh tế học Huang Yiping, cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, kế hoạch hoán đổi nợ khổng lồ này có thể giúp nhiều chính quyền địa phương giảm bớt áp lực trả nợ ngay lập tức, vốn có nguy cơ giảm tác động tích cực khi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kích thích cho địa phương". Ông Huang, cũng là Trưởng khoa Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh cho biết, điều này xuất phát từ thực tế là nhiều địa phương, với khoản nợ lớn và thiếu thốn về tài chính, sẽ không thể thực hiện hiệu quả các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh và việc họ không thể làm nhiều hơn nữa - do tình hình tài chính eo hẹp - đang làm giảm hiệu quả các biện pháp kích thích mà trung ương ban hành.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp cho biết, động thái này nhằm khơi thông "điểm nghẽn" trong quá trình triển khai chính sách tài khóa và khôi phục niềm tin.
Động thái kích thích kinh tế của chính quyền trung ương đã được các nhà đầu tư và giới chuyên gia dự báo từ trước. Tuy vậy, quy mô gói cứu trợ lần này vượt xa kỳ vọng. Điều đó cũng phản ánh phần nào mối lo ngại của Bắc Kinh về tác động từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ. Với những đe dọa về thuế quan nặng lên hàng hóa Trung Quốc, việc ổn định nền kinh tế nội địa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Sẽ có thêm gói kích thích tăng trưởng
Ông Lary Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarirr Group cho biết, chính sách của Trung Quốc là đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, được đặt ra ở mức khoảng 5% trong năm nay và giảm thiểu rủi ro chứ không phải phục hồi nền kinh tế. Nền kinh tế của Trung Quốc gần đây đã có dấu hiệu phục hồi, với Chỉ số nhà quản lý mua hàng chính thức (PMI) - chỉ số tài chính đo lường hoạt động của nền kinh tế sản xuất - đã quay trở lại mức tăng trưởng vào tháng 10 sau năm tháng ở mức dưới 50 điểm.
Theo ông Lary Hu, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ chưa tăng cường kích thích trong năm nay vì Bắc Kinh sẽ cần biết thêm về chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ đã đe dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu được thực hiện, nó có thể làm suy yếu ngành xuất khẩu của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải tăng cường bằng một gói kích thích kinh tế mới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Lam Phật An cho biết, Trung Quốc có “công cụ và nguồn lực dồi dào” trong "kho vũ khí" kích thích kinh tế để duy trì "sức khỏe" tài chính. Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ công của Trung Quốc là 85 nghìn tỷ NDT (11,86 nghìn tỷ USD), với tỷ lệ nợ là 67,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước Nhóm 7 (G7) là 123,4%.
Và các khoản vay đầu tư của chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng hình thành nên “tài sản hiệu quả” khổng lồ - bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng - đang tạo ra lợi nhuận bền vững. Đây cũng là nguồn quan trọng để trả nợ và hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế chất lượng cao, Bộ trưởng nói thêm. “Nhìn chung, chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để tăng nợ”, ông Lam Phật An cho biết; và khẳng định thêm, trong năm tới, Trung Quốc sẽ “tích cực tận dụng” dư địa để tăng thâm hụt ngân sách, đồng thời mở rộng hạn ngạch trái phiếu đặc biệt và tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn siêu dài.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết, đây là thông điệp quan trọng nhất từ cuộc họp báo. Theo ông, sẽ là không thực tế nếu mong đợi Chính phủ công bố chi tiết về gói kích thích tài chính cho năm tới ngay từ bây giờ bởi “có một quy trình về cách Chính phủ chuẩn bị ngân sách tài chính, sau khi Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương, thường diễn ra vào tháng 12”. “Tuy nhiên, thông tin mang tính định hướng mà Bộ trưởng Tài chính đề cập cho thấy, Chính phủ có thể đã đưa ra quyết định tăng thâm hụt tài chính vào năm tới”, ông Zhang Zhiwei nói thêm. “Tôi nghĩ, những thông điệp này từ cuộc họp báo là tích cực cho triển vọng vĩ mô của Trung Quốc”.
Trung Quốc thường đưa ra các kế hoạch kinh tế tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương vào cuối năm và sau đó công bố các mục tiêu vĩ mô (chẳng hạn như mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm) trong các cuộc họp “lưỡng Hội” thường niên - bao gồm Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào tháng 3. Khi đó, mọi biện pháp kích thích bổ sung sẽ được thông qua.
Bộ trưởng Lam Phật An cũng cho biết thêm, Bắc Kinh sẽ công bố một số chính sách thuế để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản trong tương lai gần. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tiến hành thủ tục bổ sung vốn tại các ngân hàng thương mại lớn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt, đồng thời xây dựng chính sách mua lại đất nhàn rỗi và mua nhà chưa bán được thông qua trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt và sẽ đẩy nhanh việc thực hiện. Hai biện pháp này ban đầu được Bộ Tài chính công bố vào giữa tháng 10.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho rằng, mặc dù việc hoán đổi nợ không đại diện cho bất kỳ khoản vay gia tăng nào và do đó không nên coi là biện pháp kích thích, nhưng Bắc Kinh có thể cần phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra biện pháp kích thích tài khóa: "Có vẻ như Bắc Kinh cần nhiều thời gian hơn để đưa ra những con số chính xác hơn về gói kích thích tài khóa trong những tháng tới".