Vào 8.11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Donald Trump và bày tỏ hy vọng hai nước có thể "hòa hợp với nhau trong kỷ nguyên mới", theo thông cáo của Chính phủ Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc cho rằng: “Mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ phục vụ lợi ích chung của cả hai nước và phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế”; ông Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ duy trì sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, cũng như tìm kiếm sự chung sống hòa bình, tăng cường đối thoại, và giải quyết hợp lý các bất đồng.
Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Donald Trump 1.0
Trung Quốc có lý do để lo lắng, bởi thực tế là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump bắt đầu trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với tình hình kinh tế khó khăn và thái độ diều hâu cố hữu của lưỡng đảng tại Washington. Đây sẽ là một thách thức đối với Bắc Kinh.
Theo tổ chức Crisis Group, chính quyền Trump đầu tiên (2017 - 2021) đã để lại tác động lâu dài đối với chính sách và quan điểm của Mỹ về Trung Quốc. Nhìn lại 4 năm nhiệm kỳ tổng thống đầu của ông Trump và các sự kiện diễn ra kể từ khi ông rời nhiệm sở, cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump thứ hai có khả năng sẽ dựa trên hai trụ cột chính: thương mại và giao dịch.
Khi bước chân vào Nhà Trắng vào năm 2017 với quan điểm “Nước Mỹ trên hết”, chính quyền của ông Trump đã nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc với tâm lý bất an và cho rằng các chính quyền trước đó đã sai lầm trong chính sách về Trung Quốc. Một loạt tài liệu của chính quyền Donald Trump, bao gồm Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng năm 2018, mô tả Trung Quốc bằng những thuật ngữ rõ ràng mang tính đối đầu. Các tài liệu này cũng xem sự phụ thuộc kinh tế giữa hai nước không phải là yếu tố giúp duy trì quan hệ ổn định mà là một nguồn gây mất ổn định chiến lược, phản ánh quan điểm của ông Trump rằng thâm hụt thương mại giữa hai nước từ lâu đã là điều không thể chấp nhận.
Chính quyền của ông đã thực hiện một số hành động phản ánh cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc. Đáng chú ý nhất, có lẽ là việc áp đặt một loạt thuế quan vào năm 2018 lên gần 13% giá trị tổng nhập khẩu của Mỹ năm 2017. Động thái này đã đưa đến những tác động to lớn, thiết lập lại các mối quan hệ kinh tế song phương.
Chính quyền Mỹ thời đó cũng nỗ lực chống ảnh hưởng của Trung Quốc ở các lĩnh vực khác. Họ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei, phát động sáng kiến Mạng lưới Sạch nhằm loại bỏ phần cứng và phần mềm Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng tại Mỹ và các quốc gia trong vòng ảnh hưởng ngoại giao của Washington.
Cuộc chiến thương mại sẽ tồi tệ hơn
"Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn so với phiên bản năm 2017”, Wang Dong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Trung Quốc.
“So với nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2017, quan điểm của Trump trong chiến dịch tranh cử lần thứ hai vào năm 2024 không thay đổi nhiều, nhưng tình hình trong nước và môi trường quốc tế đã thay đổi đáng kể… trong thời kỳ Trump 2.0, Trung Quốc và Hoa Kỳ có khả năng sẽ liên tục xảy ra xung đột và bất đồng”.
Có thể chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục hoặc gia tăng thuế quan và các biện pháp trừng phạt kinh tế khác nhằm buộc Trung Quốc phải nhượng bộ bằng cách áp dụng thêm thuế quan cao hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế khác. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Theo trang dw.com, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất kế hoạch áp thuế đồng loạt từ 10% - 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, cũng như thuế từ 60% trở lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Ông cho rằng các biện pháp này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ. Nếu điều này được thực hiện, sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng hóa trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc - vốn đang là một điểm sáng trong nền kinh tế đang vật lộn với khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng yếu ớt.
Ông Diao Daming, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định: “Nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ tiếp nối của chương trình nghị sự của ông Biden nhưng với phong cách và nhịp độ của ông Trump. Đó sẽ là một tình huống rất phức tạp và căng thẳng”.
Đẩy nhanh quá trình tách rời chuỗi cung ứng
Mỹ có thể sẽ tiếp tục tách rời chuỗi cung ứng bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, thậm chí đưa sản xuất quay trở lại Mỹ. Chính quyền của ông Trump có thể có các chính sách ưu đãi thuế và tài chính để hỗ trợ các công ty trong quá trình chuyển đổi này.
Ông Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh quốc gia trong các quyết định kinh tế và nếu đắc cử ông có khả năng sẽ tiếp tục hạn chế các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng phát triển công nghệ của Trung Quốc và có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc.
Trên hết, ông Trump vốn là một lãnh đạo khó đoán, không chỉ vì ông từng có nhiều quan điểm mâu thuẫn về mối quan hệ của mình với Chủ tịch Tập Cận Bình hay mạng xã hội TikTok, mà còn vì các cố vấn của ông cũng có quan điểm khác nhau về cách nhận định, xử lý thách thức mà Bắc Kinh đặt ra. Với đội ngũ cố vấn đa dạng như vậy, việc ông Trump đôi khi quyết định độc lập sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hướng chính sách của ông đối với Trung Quốc.
Sự chuẩn bị của Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hiện đang lèo lái một nền kinh tế trong nước tồi tệ hơn nhiều so với 8 năm trước. Bắc Kinh có thể hy vọng tránh được sự lặp lại của cuộc chiến thương mại, nhưng có thể sẽ rất khó khăn.
Yu Jie, một nghiên cứu viên cao cấp tại Chatham House cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã chuẩn bị cho chiến thắng của Trump trong nhiều tháng. Chẳng hạn như Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giảm thiểu mối quan hệ kinh tế với Mỹ trước thời hạn.
Một trong số cách tiếp cận là tăng khối lượng thương mại của Trung Quốc với các nước Nam bán cầu. Vào tháng 9, tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chế độ thuế quan bằng 0 đối với các nước đang phát triển có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, bao gồm 33 nước ở châu Phi. Các chính sách như vậy hoàn toàn trái ngược với các rào cản kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh hạn chế khả năng mua công nghệ tiên tiến nhất để sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng các giải pháp thay thế của riêng họ. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc mới đây tiết lộ rằng họ đã chế tạo được một máy quét thạch bản có khả năng sản xuất chip nhỏ tới 65 nanomet. Con số này vẫn còn kém xa công nghệ tiên tiến nhất sản xuất bởi ASML - công ty Hà Lan đã bị chặn bán một số thiết bị cho Trung Quốc vì một thỏa thuận của Chính phủ Hà Lan với Hoa Kỳ, nhưng vẫn là một cải tiến so với khả năng của Trung Quốc cách đây hai năm.
Và trong một động thái mới nhất, ngày 8.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã nhất trí thông qua gói kích thích 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (837 tỷ USD) để giải quyết những thách thức kinh tế trong nước đặc biệt là khoản nợ của chính quyền địa phương và thị trường địa ốc; đồng thời cam kết các biện pháp hỗ trợ tài chính "mạnh mẽ" hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Đây được coi là gói kích thích kinh tế gần như lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Môi trường thuế quan quốc tế khắc nghiệt buộc Trung Quốc phải dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Họ không còn cách nào khác phải đả thông điểm nghẽn bất động sản, tạo ra môi trường tín dụng thông thoáng.