Điều này góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân HTX và của toàn bộ nền kinh tế.
Sáng 5.7, tại TP Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức toạ đàm nhằm lấy ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, phát triển khu vực kinh tế tập thể (KTTT) là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta.
Luật HTX 2012 còn nhiều bất cập
Tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đều khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”.
Gần đây nhất, ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực KTTT trong giai đoạn mới, khẳng định KTTT là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Luật HTX năm 2012 đã thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị, nguyên tắc của HTX trên thế giới và bước đầu đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các HTX. Tuy nhiên, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 cho thấy, phát triển khu vực KTTT còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đồng thời, hiện tại, các quy định về giải thể cũng phức tạp, gây khó khăn cho việc rút khỏi thị trường của các HTX. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, đến hết năm 2020, có khoảng 2.044 HTX khó khăn trong giải thể do vướng mắc quy định của Luật HTX năm 2012.
Ngoài hạn chế nói trên, Luật HTX 2012 còn chưa đảm bảo nguyên tắc mở cho thành viên khi gia nhập và rút khỏi HTX; các quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý HTX còn chưa phù hợp. Cũng tương tự như vậy, các thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của HTX còn thiếu minh bạch, chưa bảo đảm độ tin cậy; chế độ báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước còn cứng nhắc; quy định về tài sản, tài chính của HTX còn nhiều bất cập; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước thiếu trọng tâm…
Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho KTTT
Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, có vị thế và uy tín cao trong khu vực và trên trường quốc tế.
Hướng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng thể của đất nước, của tất cả các thành phần kinh tế. Trong đó, KTTT có vai trò tổ chức, tập hợp và tăng sức cạnh tranh, sức sản xuất của những thành viên, nhất là hộ nông dân, người sản xuất nhỏ yếu thế trong nền kinh tế thị trường. Chức năng chính của KTTT là liên kết, hỗ trợ kinh tế thành viên, giúp kinh tế thành viên phát triển chứ không thay thế kinh tế thành viên.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng đã được chỉ rõ gồm: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Với các quan điểm, chủ trương, chính sách nhằm phát triển KTTT nêu trên, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã cụ thể hoá 5 nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Nhóm chính sách về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Nhóm chính sách về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Nhóm chính sách về hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác; Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể. Dự thảo sẽ nhấn mạnh một số điểm mới, được kỳ vọng mang tới cho khu vực KTTT, các tổ chức kinh tế hợp tác sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ngay từ đầu năm 2022, Bộ KH&ĐT đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong đó có LMHTX Việt Nam triển khai các hoạt động chuẩn bị xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Hàng loạt các cuộc tọa đàm là một trong các hoạt động quan trọng, giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) có cơ hội trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, của các cơ quan quản lý, các cơ quan có liên quan ở địa phương đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi.
“Đây là thời điểm tốt để chúng ta tận dụng, xác định đúng hướng đi, tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ thu hút sự tham gia và đóng góp của các thành viên cho khu vực KTTT, các tổ chức kinh tế hợp tác để mang lại các cơ hội thay đổi căn bản cho khu vực này trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.