Phát huy hiệu quả các mô hình
Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom tại tỉnh Long An đạt khoảng từ 800 - 850 tấn/ngày; trong đó, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt trên 80%. Đặc biệt, các khu công nghiệp hoạt động cơ bản có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được tỉnh tập trung chỉ đạo chặt chẽ. Ngoài triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, những năm qua, Sở thường xuyên phối hợp các địa phương triển khai, thực hiện hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; phối hợp các địa phương, đoàn thể xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống, cảnh quan môi trường.
Điển hình như huyện nông nghiệp Thạnh Hóa đã triển khai các giải pháp kiểm soát chặt các nguồn thải theo quy định; tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt tỷ lệ theo quy định; tăng cường phát động trồng cây xanh để đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh sử dụng công cộng tại các điểm dân cư nông thôn và tỷ lệ đất trồng cây xanh trong 2 cụm công nghiệp được quy hoạch của huyện đạt trên 10%.
Hay tại huyện Tân Trụ, phong trào tổng vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, trục đường giao thông hàng tháng đã thu hút được các hộ dân tích cực tham gia bằng những hoạt động cụ thể như: thu gom, xử lý rác thải đúng nơi quy định; phát quang cỏ dại; trồng cây xanh, trồng hoa ven đường giao thông; cải tạo vườn tạp; trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh rạch..., góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường địa phương xanh - sạch - đẹp.
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một trong những tiêu chí được đánh giá là quan trọng và khó là tiêu chí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhờ sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh Long An đã góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn trên địa bàn.
Thông qua công tác tuyên truyền, sự chỉ đạo quyết liệt từ các địa phương, đến nay, công tác bảo vệ môi trường nông thôn tỉnh Long An đã có những khởi sắc. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp. Trong đó, hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đối với rác thải nguy hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hiện đa số các địa phương có giải pháp như xây dựng các hố thu gom tập trung, đặt các thùng nhựa di động tại các khu vực đồng ruộng để tập kết vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, sau đó thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải nguy hại để xử lý theo đúng quy định.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp sản xuất nông nghiệp an toàn qua các mô hình như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, không sử dụng chất cấm, hóa chất kích thích tăng trưởng,...
Đặc biệt, ngành nông nghiệp cũng triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại các địa phương nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững.