Suy thoái trước thềm bầu cử
Số liệu mới đây do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 0,3% trong quý IV.2023, sau khi giảm 0,1% trong quý III.2023. Mặc dù không có định nghĩa chính thức nào về suy thoái kỹ thuật, nhưng việc chứng kiến GDP sụt giảm trong cả quý III.2023 và quý IV.2023, Anh hiện được coi là đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Tất cả các lĩnh vực đều chứng kiến sự suy giảm trong quý IV, trong đó sản xuất, xây dựng và bán buôn là những lĩnh vực gây trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nói chung. Song, bù lại một phần là sự tăng trưởng ghi nhận ở các lĩnh vực khách sạn, cho thuê xe và máy móc. Cũng trong báo cáo của ONS, GDP của Anh chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm 2023, mức tăng yếu nhất kể từ năm 2009 (thời điểm kinh tế Anh hứng cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) và không tính năm 2020 - năm của đại dịch Covid-19. Năm 2022, Anh đạt mức tăng trưởng GDP 4,3%.
Những kết quả tăng trưởng này dường như tạo thêm áp lực lớn cho Thủ tướng Rishi Sunak. Sự “ảm đạm” của nền kinh tế cũng có thể làm gia tăng khoảng cách dẫn trước vốn dĩ đã lớn mà Công Đảng có được so với Đảng Bảo thủ trong các cuộc thăm dò về sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra trong năm nay; hơn nữa, báo cáo GDP cũng đặt ra một tiền đề không mấy thuận lợi cho kế hoạch ngân sách hàng năm mà Chính phủ Anh dự kiến công bố vào tháng 3 tới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt được kỳ vọng sẽ đưa ra một kế hoạch trong đó giảm nhẹ một số loại thuế, cho dù nền kinh tế đang khó khăn và tình trạng nợ công của nước này đang cao ngất ngưởng.
Ông Jeremy Hunt cho rằng, tăng trưởng thấp là điều nằm trong dự kiến bởi lãi suất tăng cao. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã phải tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 26 năm để chống lại mức lạm phát cao kỷ lục. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh đang xoay chuyển, dù đây là thời điểm khó khăn đối với nhiều gia đình, nhưng giữ vững kế hoạch là cắt giảm thuế sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Tia sáng cho nền kinh tế đang gặp khó
Tuy rơi vào suy thoái, nền kinh tế Anh hiện vẫn tốt hơn nhiều so với những gì mà nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại cách đây 1 năm, thời điểm mà họ cho là Anh sẽ rơi vào một cuộc suy thoái sâu.
Lạm phát ở Anh đang trong xu hướng giảm và BoE được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong năm nay, từ đó tạo ra cú huých cho tăng trưởng kinh tế. Gần đây đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của lĩnh vực dịch vụ - bộ phận chủ lực của nền kinh tế nước này. Thêm vào đó, một số chuyên gia tin rằng BoE có thể sẵn sàng từ bỏ tăng trưởng ngắn hạn để kiểm soát lạm phát dài hạn một cách chắc chắn.
Tháng 1, lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở Anh là 4%, không thay đổi so với tháng 12. Con số này vẫn cao gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% của BoE, nhưng đã thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 11,1% thiết lập vào tháng 10.2022. Lạm phát giá thực phẩm giảm còn 7% từ mức cao 19,2% vào tháng 3.2023. Nếu so với giá tháng trước, giá thực phẩm đã có tháng giảm đầu tiên sau hơn 2 năm. Cùng với đó, báo cáo của ONS cũng chỉ ra rằng, tiền lương đã tăng nhanh hơn so với giá cả trong 7 tháng liên tiếp; tiền lương bình quân không bao gồm tiền thưởng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2023.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, suy thoái kinh tế ở Anh đã chấm dứt, và tăng trưởng sẽ trở lại trạng thái dương một cách chầm chậm. Hơn nữa, khả năng kinh tế Anh phục hồi chậm còn được phản ánh qua một dữ liệu khác mà ONS công bố đó là tăng trưởng năng suất, tính bằng sản lượng mỗi giờ làm việc đi ngang trong năm ngoái.
Bên cạnh đó,doanh số bán lẻ của Anh tháng 1 đã tăng mạnh hơn dự kiến đã mang lại tia sáng cho nền kinh tế đang gặp khó khăn, vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, cuộc suy thoái của nước này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Theo ONS, doanh số bán hàng đã phục hồi 3,4% so với tháng 12, mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 4.2021. Theo cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự kiến mức tăng trưởng khiêm tốn hơn là 1,5%.
Trợ lý kinh tế tại Capital Economics Joe Maher cho biết, doanh số bán hàng tăng mạnh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi trong năm 2024. Việc tăng lãi suất cũng cho thấy lực cản đối với chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm dần do lãi suất cao hơn, cũng như nền kinh tế thoát khỏi vùng suy thoái, nhưng “vẫn còn một chặng đường dài đối với các nhà bán lẻ” để đạt được mức cao trước đại dịch.
Giám đốc chuyên sâu của Hiệp hội Bán lẻ Anh LKris Hamer cho biết, mặc dù doanh số bán hàng cao hơn trong hai tháng qua “đầy hứa hẹn” sau 19 tháng sụt giảm, tuy nhiên, người mua hàng vẫn thận trọng khi chi phí sinh hoạt vẫn đang cao, đồng thời tỷ lệ kinh doanh tăng và chi phí kiểm soát biên giới mới cũng sẽ đè nặng lên lĩnh vực bán lẻ.
Mỹ có nối gót?
Trong khi hai nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới là Anh và Nhật Bản, đều công bố GDP quý IV.2023 giảm, điều này làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có phải là cái tên tiếp theo hay không? Bộ Thương mại Mỹ mới đây cũng công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ nước này giảm 0,8% trong tháng 1, chấm dứt hai tháng tăng liên tiếp. Điều này cho thấy người Mỹ đang thắt chặt chi tiêu sau mùa mua sắm cuối năm bùng nổ. Tiêu dùng vẫn đang là lực đẩy cho kinh tế Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng rủi ro suy thoái hiện khá xa vời. Vì các yếu tố nền tảng của Mỹ khác Anh và Nhật Bản.
Theo đó kinh tế Nhật Bản co lại do dân số suy giảm. Còn tại Anh, cả dân số và lương đều tăng trưởng, nhưng mức tăng lại chưa đủ để bù đắp chi tiêu sụt giảm vì lạm phát. Tiêu dùng là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế này. Trong khi đó, tình hình tại Mỹ lại khác biệt hoàn toàn. Trong hai quý qua, Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến, chủ yếu nhờ tiêu dùng sôi động.
Một lợi thế khác là Mỹ ít phụ thuộc vào năng lượng Nga, giúp quốc gia này tránh được hệ quả từ tình trạng giá khí đốt tăng vọt. Theo Bloomberg, Mỹ thậm chí trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, khi năm 2023, quốc gia này là nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) nhiều nhất thế giới. Thị trường lao động tại đây cũng vững chắc. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn dưới 4% trong 24 tháng liên tiếp, một phần do các thay đổi từ trong đại dịch.
Dù vậy, Mỹ vẫn có thể suy thoái mà người dân không hề biết. Nguyên nhân là tình trạng suy thoái của nước này được quyết định bởi Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER). Tổ chức này không khẳng định suy thoái theo định nghĩa 2 quý giảm GDP liên tiếp, vốn được áp dụng phổ biến. Thay vào đó, NBER định nghĩa tình trạng này là "sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, kéo dài một vài tháng". NBER sử dụng 6 yếu tố sau để đánh giá về chu kỳ kinh tế Mỹ gồm thu nhập thực của cá nhân, báo cáo việc làm phi nông nghiệp, tình hình việc làm theo khảo sát hộ gia đình của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi tiêu tiêu dùng thực của cá nhân, doanh số bán buôn - bán lẻ đã điều chỉnh theo biến động giá, và sản lượng công nghiệp. GDP vì thế không phải yếu tố chính khiến họ đưa ra kết luận suy thoái.
Hồi tháng 12.2023, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết rủi ro suy thoái của Mỹ đã tăng lên sau khi Fed bắt đầu quá trình nâng lãi tháng 3.2022. Dù vậy, ông cũng khẳng định "không có yếu tố nền tảng nào cho thấy nền kinh tế đang suy thoái". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, kể cả khi nền kinh tế đang tươi sáng, rủi ro suy thoái vẫn luôn tồn tại. Nguyên nhân là các cú sốc kinh tế bất ngờ, như đại dịch, có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Ngoài ra một số ý kiến cho rằng, Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái năm nay, thay vào đó sẽ tăng trưởng chậm.