Công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Sau nhiều lần trì hoãn, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã thúc đẩy việc ra mắt Danantara. Danantara có nghĩa là năng lượng tương lai của Indonesia, được coi là sự chuyển đổi lớn và có kế hoạch bắt đầu với 15 - 20 dự án trị giá hàng tỷ USD giúp tạo ra giá trị gia tăng đáng kể.

Indonesia ra mắt Danantara, công ty đầu tư siêu cấp do nhà nước sở hữu
Danantara là quỹ đầu tư quốc gia thứ hai của Indonesia, sau Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA), được thành lập dưới thời Cựu Tổng thống Joko Widodo vào năm 2021. Tuy nhiên, không giống như INA tập trung vào quản lý tài sản và đồng đầu tư, Danantara có thẩm quyền trực tiếp đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm phân bổ vốn, tái cấu trúc và sáp nhập.
Danantara dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia. Bằng cách tinh giản quản lý doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản trị, Danantara sẽ tăng hiệu quả tài sản nhà nước, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cũng như cho phép các doanh nghiệp nhà nước đóng góp hiệu quả hơn vào việc tạo ra của cải quốc gia. Việc tách biệt chức năng quản lý và hoạt động nhằm mục đích cho phép ra quyết định nhanh nhẹn hơn và dựa trên đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước, giảm sự chậm trễ của bộ máy hành chính và thúc đẩy đổi mới. Trong khi đó, các biện pháp giám sát và giải trình mạnh mẽ hơn sẽ được đưa ra nhằm mục đích thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và bảo đảm vốn được triển khai hiệu quả và minh bạch.
Danantara sẽ quản lý hoạt động của tất cả các doanh nghiệp nhà nước (SOE) của Indonesia và tái đầu tư lợi nhuận của họ, chủ yếu bằng cách tài trợ cho các dự án chiến lược quốc gia. Jakarta tin rằng, Danantara có thể giúp Indonesia đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm là 8% và chuyển đổi nền kinh tế. Với khối tài sản khổng lồ hơn 900 tỷ USD có nguồn gốc từ các công ty lớn nhất của nhà nước, Danantara được kỳ vọng sẽ đưa đất nước đến gần hơn với giấc mơ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia phát triển. Quỹ này sẽ đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên và tài sản nhà nước thông qua các dự án bền vững, có tác động lớn, ông Prabowo nhấn mạnh. Các dự án này sẽ bao gồm các lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp hạ nguồn. Danantara cũng sẽ đầu tư tài sản nhà nước vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm và các công nghệ sản xuất tiên tiến.
Để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ dự kiến sẽ đưa ra các ưu đãi về quy định, lợi ích về thuế và các quy trình hợp lý hóa, nhằm mục đích tạo ra một môi trường thân thiện hơn với nhà đầu tư.
Nguy cơ xung đột với các lợi ích chính trị
Tuy nhiên, các nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về trách nhiệm giải trình, khẳng định rằng việc thiếu cơ chế pháp lý để giám sát hiệu suất của Danantara làm tăng nguy cơ tham nhũng. Xu hướng chính trị toàn cầu và cách tiếp cận lịch sử của Indonesia đối với quản trị SOE giúp giải thích lý do tại sao chính quyền Prabowo lại đầu tư nhiều tiền như vậy vào cuộc cải cách lớn này.
Trước hết, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất tham gia vào “trò chơi” SWF. Hầu hết các nước đang phát triển và phát triển đều tìm cách đưa ra các biện pháp tương tự, một phần là để ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các chính sách kinh tế do nhà nước lãnh đạo đã định hình lại cách các quốc gia quản lý chủ nghĩa tư bản.
Động thái này đã thúc đẩy nhiều quốc gia tăng cường vai trò của nhà nước trong việc chủ động chỉ đạo đầu tư, thương mại và các ngành công nghiệp chiến lược. Nhiều quốc gia có thu nhập cao đã bắt đầu "vũ khí hóa" thị trường của họ - sử dụng các chính sách kinh tế như các công cụ địa chính trị - thông qua các quy định nghiêm ngặt hoặc sự tham gia mạnh mẽ của nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược như khai khoáng và công nghệ. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh đã ban hành luật thương mại hạn chế các công ty khoáng sản có hơn 25% sở hữu của Trung Quốc tham gia vào thị trường của họ.
Và Indonesia không nằm ngoài xu hướng này; để ứng phó với luật thương mại do mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc, Indonesia đã thu hút đầu tư từ Hàn Quốc để đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế. Jakarta cũng đã thông qua Luật Tạo việc làm để hợp lý hóa các quy trình cấp phép và đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng. Luật này phản ánh kỷ nguyên mới của Indonesia về kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn của nhà nước trong khi lại chấp nhận tích luỹ vốn theo chủ nghĩa tân tự do.
Indonesia sau cải cách đã phải vật lộn để xây dựng một nền dân chủ vững mạnh. Hệ thống chính trị của nước này vẫn bị chi phối bởi nhóm tinh hoa tìm kiếm lợi nhuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau. SOE từ lâu đã đóng vai trò là đấu trường nơi những nhóm tinh hoa chính trị này cố gắng bảo đảm các vị trí chủ chốt cho đồng minh của họ để tích luỹ của cải cũng như củng cố quyền lực. Mô hình bảo trợ chính trị này vẫn tồn tại dưới thời cả hai chế độ Tổng thống Yudhoyono và Jokowi, nơi các ủy viên SOE luôn được lựa chọn dựa trên sự ủng hộ chính trị hoặc liên kết đảng phái hơn là năng lực. Điều này cho phép giới tinh hoa chuyển hướng các nguồn lực của nhà nước vào mạng lưới của họ thông qua các dự án thầu phụ và giấy phép nhượng quyền.
Giới quan sát nhận định, ông Prabowo đang tiếp tục xu hướng này với Danantara, điều này được phản ánh trong cơ cấu tổ chức của cơ quan. Bất chấp sự hiện diện của các chuyên gia và tên tuổi quốc tế, nhiều viên chức cấp cao của quỹ này là một phần của nhóm vận động chính thức của Tổng thống; ông Rosan Roeslani, Tổng giám đốc điều hành được bổ nhiệm, là người đứng đầu chiến dịch của ông Prabowo, trong khi vai trò Giám đốc đầu tư thuộc về ông Pandu Sjahrir - một doanh nhân trẻ từng là phó thủ quỹ của chiến dịch. Các mối quan hệ gia đình của vị doanh nhân này cũng thu hút sự chú ý, khi chú của ông là Luhut Pandjaitan - đồng minh quan trọng của Jokowi và là bạn lâu năm của ông Prabowo.
Ngoài các cuộc bổ nhiệm cá nhân, cơ cấu lãnh đạo của Danantara xuất hiện từ một cuộc đàm phán chính trị rộng lớn hơn. Các cộng sự của ông Prabowo và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir được cho là giúp bảo đảm đòn bẩy chính trị của mình trong tổ chức.
Các lựa chọn của Tổng thống đặt ra thêm nhiều câu hỏi về xung đột lợi ích. Bên cạnh ông Thohir, những nhân vật chủ chốt khác đảm nhiệm các trách nhiệm điều hành trong khi vẫn giữ nguyên vị trí trong nội các. Dony Oskaria, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành, trong khi ông Rosan vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Hạ nguồn. Sự chồng chéo như vậy làm mờ ranh giới giữa cơ quan quản lý và nhà điều hành.
Với những động thái này và việc không có các quy định tài chính ràng buộc về mặt pháp lý, ngày càng nhiều các chuyên gia lo ngại rằng việc bổ nhiệm những người trung thành để quản lý SWF có thể dẫn tới việc quản lý quỹ một cách không rõ ràng. Ảnh hưởng chính trị và sự thiếu minh bạch trong ban quản lý của Danantara cũng làm gia tăng sự bất ổn của nhà đầu tư, thúc đẩy sự biến động của thị trường và sự sụt giảm của cổ phiếu.
Mặc dù Danantara có tiềm năng trở thành "nhân tố" thay đổi cuộc chơi cho đất nước, nhưng các mục tiêu của nó có thể xung đột với các lợi ích chính trị ngắn hạn. Nếu sự ràng buộc giữa kinh doanh và chính trị vẫn chưa được giải quyết, hoạt động quản lý SWF của Indonesia có nguy cơ bị thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, bất kể sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước.