Triển vọng tốt hơn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Theo báo cáo giữa năm 2024 được công bố ngày 17.5, nền kinh tế thế giới hiện được dự đoán sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay - tăng so với mức 2,4% trong báo cáo tháng 1; và 2,8% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng 2,7% sẽ tương đương với mức tăng trưởng vào năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3% trước khi đại dịch Covid - 19 bùng phát vào năm 2020.
Phát biểu trong cuộc họp báo công bố báo cáo, Giám đốc Ban Chính sách và Phân tích Kinh tế của LHQ cho biết: “Dự báo của chúng tôi là lạc quan nhưng cũng đưa ra những cảnh báo quan trọng”.
Báo cáo chỉ ra kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với tình trạng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, thách thức trả nợ, căng thẳng địa chính trị tiếp diễn và rủi ro khí hậu, đặc biệt đối với các nước nghèo nhất thế giới và các quốc đảo nhỏ.
Ông Mukherjee cho biết, lạm phát, hiện đã giảm so với mức đỉnh năm 2023, cho thấy “sự mong manh tiềm ẩn” của nền kinh tế toàn cầu. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy lạm phát ở một số nước vẫn cao. “Trên toàn cầu, giá năng lượng và lương thực đang nhích lên trong những tháng gần đây, và nguy hiểm hơn ở chỗ, mức lạm phát vẫn cao trên mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương ở nhiều nước phát triển”.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của LHQ cho năm 2024 thấp hơn dự báo của cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Vào giữa tháng 4, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025, cùng tốc độ với năm 2023. Và OECD vào đầu tháng 5 dự báo mức tăng trưởng 3,1% vào năm 2024 và 3,2% vào năm 2025.
Một số nền kinh tế có triển vọng
Báo cáo mới nhất của LHQ dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ ở mức 2,3% vào năm 2024, tăng từ mức dự báo 1,4% vào đầu năm; đồng thời nâng nhẹ dự báo của Trung Quốc từ 4,7% trong tháng 1 lên 4,8%.
Bất chấp rủi ro về khí hậu, báo cáo của Phòng Kinh tế và Xã hội LHQ cho rằng, các quốc đảo nhỏ đang phát triển sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể, từ 2,4% vào năm 2023 lên 3,3% vào năm 2024, chủ yếu nhờ ngành du lịch được phục hồi.
Tuy nhiên, báo cáo hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế châu Phi xuống còn 3,3%, giảm so với mức dự báo 3,5% vào đầu năm 2024. Báo cáo trích dẫn triển vọng yếu kém ở các nền kinh tế lớn nhất lục địa bao gồm Ai Cập, Nigeria và Nam Phi – cùng với 7 nền kinh tế châu Phi khác là các quốc gia “đang gặp khó khăn về nợ nần” và 13 quốc gia khác có “nguy cơ gặp khó khăn cao về nợ nần”.
Ông Mukherjee cho biết, việc hạ triển vọng tăng trưởng ở châu Phi “đặc biệt đáng lo ngại vì châu Phi là nơi có khoảng 430 triệu người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực và gần 40% dân số suy dinh dưỡng toàn cầu” với “2/3 số quốc gia có lạm phát cao được liệt kê trong danh sách”.
Ông cho biết, đối với các nước đang phát triển, tình hình không “quá nghiêm trọng” nhưng mối lo ngại lớn hơn là tốc độ tăng trưởng đầu tư tiếp tục sụt giảm và sụt giảm mạnh.