Di sản dòng họ và lịch sử cá nhân tưởng chừng là một chủ đề bị lãng quên trong dòng lịch sử quốc gia, nhưng lại góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa, tạo nên sự đa dạng và sâu sắc trong lịch sử, và để lại cho thế hệ sau những bài học giá trị. Nhờ vào những di sản này, chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và bản sắc thế hệ trước và dân tộc mình.
Trong số những tài liệu nghiên cứu về di sản dòng họ ấy, có thể nói "Hoan Châu ký" là một tác phẩm điển hình, bộ tiểu thuyết chương hồi vào loại cổ nhất nước ta, kể về lịch sử của dòng họ Nguyễn Cảnh - dòng họ lớn cư trú gần 600 năm ở vùng đất Nghệ An. "Hoan Châu ký" còn gợi mở những nội dung về di sản và lịch sử dòng họ, giúp độc giả tìm hiểu về nguồn gốc và bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nhân dịp tái bản cuốn sách "Hoan Châu ký" và 360 năm của đại lễ "Thập niên sự lệ", Omega+ tổ chức Sự kiện "Đối thoại về di sản dòng họ: Lịch sử cá nhân trong dòng lịch sử quốc gia qua trường hợp "Hoan Châu ký" vào sáng 20.4, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.
Với sự dẫn dắt và chia sẻ của các diễn giả là các nhà nghiên cứu về Hán Nôm, độc giả sẽ được lắng nghe câu chuyện về một dòng họ lâu đời trong lịch sử dân tộc, đồng thời gợi mở công cuộc nghiên cứu lịch sử dòng họ - lịch sử cá nhân tại Việt Nam.
Chương trình với sự góp mặt của các diễn giả: TS. Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Nhà báo Nguyễn Phan Khiêm. Ông Trường Giang - Trung tâm lưu trữ Quốc gia I điều phối tọa đàm.