Tham dự lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có nguyên và lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gia đình anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, chia sẻ: “Anh hùng Nguyễn Trung Trực - một con người “sanh vi tướng, tử vi thần”, với 2 chiến công vang dội tiêu biểu “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa - Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”; sử sách lưu danh, người đời ca tụng”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh: "Kiên Giang vinh dự và tự hào khi Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – TP Rạch Giá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, và cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để hôm nay di sản được vinh danh và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc".
Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một Lễ hội thể hiện tính nhân văn đặc sắc và tính xã hội hóa cao. Theo Ban Bảo vệ di tích đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyên Trực cho biết phần hội và phần lễ được tổ chức đến hết ngày 14/10, ước đón khoảng 1,2-1,5 triệu lượt người.
Để phục lượng du khách thập phương này, hiện có khoảng 3.000 người tự nguyên đến phục vụ, như: nấu cơm, gói bánh tét, đổ bánh xèo,… phục vụ miễn phí cho người dân dến dự Lễ hội.
Anh hùng Nguyễn Trung Trực (sinh năm Đinh Dậu 1837 – mất năm Mậu Thìn 1868) là người anh hùng dân tộc chống Pháp được người dân vùng đất Nam Bộ tôn vinh vào thế kỷ XIX.
Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh quán tại tỉnh Bình Định. Sau nhiều lần hải quân Pháp uy hiếp Đà Nẵng (từ năm 1858), gia đình ông theo đoàn người di cư phiêu bạt vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhựt, nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại đây, ông trở thành vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu của Nam Kỳ.
Hai chiến công lừng lẫy của ông là đốt cháy tàu L’ Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10.12.1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16.6.1868.
Hàng năm người dân chọn ngày 26,27,28 Tháng 8 Âm lịch để làm lễ giỗ của ông. Lâu dần, ngày cúng giỗ của ông đã trở thành một lễ hội lớn như ngày nay.