Không để xảy ra khoảng trống pháp lý với Luật Đất đai (sửa đổi)

- Thứ Hai, 19/02/2024, 07:15 - Chia sẻ

Để tránh khoảng trống pháp lý, bảo đảm Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực, các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc xây dựng các văn bản hướng dẫn với yêu cầu đặt ra là: phân cấp triệt để cho địa phương và cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Đã xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về việc xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Sẽ có 9 văn bản hướng dẫn thi hành Luât Đất đai (sửa đổi). Nguồn: ITN
Sẽ có 9 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Nguồn: ITN

Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ trì xây dựng 5 dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Thông tin tại cuộc họp ngày 16.2 cho thấy, đến nay, Bộ đã xây dựng 4 dự thảo nghị định để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, gồm: (1) Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; (2) Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất; (3) Nghị định của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (4) Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Văn bản còn lại là Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đang trong quán trình hoàn thiện.

Trong quá trình xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị được giao phải rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong các dự thảo nghị định, nhất là trong lĩnh vực đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phân cấp triệt để cho các địa phương và xử lý chuyển tiếp để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời, tập trung rà soát quy định tại các dự thảo Nghị định để trao đổi, phản biện các quy định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các văn bản, giúp Luật sớm đi vào cuộc sống.

Tăng tốc xây dựng các văn bản hướng dẫn  

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua là một trong những sự kiện pháp lý trung tâm của đất nước; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương Đảng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) cần nhiều thời gian. “Mong là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ được tiến hành một cách sớm nhất, nhanh nhất, để các chính sách sẽ đi vào cuộc sống ngay khi Luật có hiệu lực”, ông nói.

Những chính sách đổi mới đột phá sẽ góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả tài nguyên đất đai đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực mới đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Để chuẩn bị các điều kiện thi hành, đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, tại Thông báo số 32/TB-VPCP ngày 30.1.2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền trong tháng 5.2024 để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực vào tháng 7.2024.

Cụ thể, sẽ có 9 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài các văn bản thuộc trách nhiệm chủ trì xây dựng của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói trên, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi.

Cùng với đó, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Nghị định quy định lấn biển (theo nhiệm vụ được giao tại Điều 190 Luật Đất đai (sửa đổi) theo trình tự rút gọn để bảo đảm có hiệu lực từ ngày 1.4.2024.

Đối với các quy định chi tiết thi hành Điều 248 của Luật Đất đai (sửa đổi) về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Chính phủ yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát cập nhật bổ sung vào Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành rà soát các điều khoản, quy định của Luật Đất đai giao cho Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết để đề xuất phân công, giao trách nhiệm xây dựng ban hành theo thẩm quyền. Tinh thần là phải "bảo đảm nguyên tắc không để xảy ra khoảng trống pháp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hà Lan
#