Từ một sáng kiến
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất, Đại hội đồng AIPA-42, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu các thiệt hại và mau chóng phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Cũng tại phiên họp này, để cùng nhau vượt qua đại dịch, các Trưởng đoàn đã kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác chia sẻ thông tin để đối phó với sự lây lan của Covid-19, hợp tác nghiên cứu, cung cấp và tiếp cận công bằng về vaccine, thiết bị y tế, thuốc... Đồng thời, trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh…
Trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Đó chính là một sáng kiến của Quốc hội Việt Nam Khóa XV đã được thực hiện trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới vào tháng 7 vừa qua. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới, số ca mắc mới không ngừng tăng lên, thực tiễn phát sinh các tình huống khó khăn cần phải giải quyết ngay, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021. Thể hiện một sáng kiến, phản ứng kịp thời, nhất là sự quyết đoán của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với nhiều nội dung tạo điều kiện để Chính phủ chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống cụ thể đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới,” Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Trong đó, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch.
Đến nghị quyết hợp Hiến, hợp lòng dân
Trên cơ sở Nghị quyết số 30 của Quốc hội, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã chuẩn bị và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một Nghị quyết để giải quyết, đáp ứng tình hình phòng chống dịch covid-19, mà lẽ ra Nghị quyết này phải được xây dựng theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây có thể gọi là "quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt" để đáp ứng tình hình nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 để bảo bệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Tại phiên họp khẩn, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Ngay trong tối 6.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Cũng ngay trong cùng ngày 6.8, Nghị quyết của Chính phủ đã được Thủ tướng ký ban hành, kịp thời triển khai những công việc cấp bách phục vụ phòng chống dịch.
Theo đông đảo cử tri và người dân, những hoạt động nêu trên của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đưa ra đường lối, chủ trương mang tính chiến lược vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của Nhân dân, nhưng vẫn bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật; là những quyết sách kịp thời, hợp hiến, hợp lòng dân. Đồng thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành với Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
"Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch"
Là một hình mẫu để cơ quan dân cử các địa phương học tập, những quyết sách kịp thời, hợp hiến, hợp lòng dân, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng hành của Quốc hội đã ngay lập tức lan tỏa đến HĐND các địa phương.
Điển hình, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, ngay sau khi có chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH ngày 6.8.2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp cùng UBND thành phố rà soát, xem xét, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo. Rất khẩn trương, ngày 13.8, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành đồng thời 3 nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng, đồng thời đồng ý bố trí thêm 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn vay giúp khắc phục khó khăn do đại dịch. Thể hiện tinh thần đồng hành cùng thành phố và hết lòng vì nhân dân thủ đô của cơ quan quyền lực nhà nước thành phố.
Những sáng kiến, quyết sách kịp thời của Quốc hội Việt Nam đã lan tỏa. Với những quyết sách kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đồng hành của cơ quan dân cử; với nỗ lực của Chính phủ, đồng lòng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, tin tưởng “nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được” như Lời hiệu triệu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.