Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung; Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh; đại diện các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước, hội nhập quốc tế, những nhu cầu quản lý nhà nước phát sinh trong thời gian qua, cũng như những đòi hỏi về đổi mới chiến lược, tư duy, cách thức xây dựng, phát triển và bảo tồn một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất là tài nguyên nước.
Góp ý vào nội dung chương IV của dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, ở mục 2 cần xem lại khái niệm “khai thác, sử dụng” có nên quy định chung hay không, vì có nhiều trường hợp khai thác là của doanh nghiệp đầu tư, còn sử dụng nước là đối tượng khác, chẳng hạn như nước sinh hoạt, do vậy để lẫn hai nội dung này vào một quy định là chưa hợp lý.
Trong quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có nội dung tuần hoàn nước, cũng như vậy đối với các quy định từ Điều 45 đến Điều 57 về sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và sử dụng mục đích khác thiếu nội dung khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn và cơ chế ưu đãi. Vì vậy, nội dung mục này nên có sự đối chiếu với Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/NĐ-CP ngày 10.1.2022 về “kinh tế tuần hoàn” để có sự phù hợp giữa các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định tại mục 2 vẫn mang nặng chỉ đạo điều hành của Nhà nước đối với khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chưa thể hiện được tính cạnh tranh, vai trò của các thành phần kinh tế trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước vận hành theo kinh tế thị trường, nhất là sự tham gia của tư nhân, hợp tác công tư.
Các đại biểu cũng phân tích, Điều 79 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhưng dường như phạm vi của điều luật này đang bao trùm cả Luật Thủy lợi. Hiện nay cả nước có trên 900 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 70.000 công trình gồm 6.750 hồ chứa nước, gần 20.000 trạm bơm, gần 300.000 km kênh mương và hàng chục nghìn km đê sông, đê biển. Việc quản lý nhà nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Do vậy, nhiều ý kiến lưu ý, nếu không làm rõ và phân định chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động do sự chồng chéo về nhiệm vụ.
Kết luận hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo rất tâm huyết, trách nhiệm. Nhấn mạnh đây là dự luật mang tính chuyên ngành, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các nội dung được góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp tháng 3 này.